Phụ nữ Tân Hà khấm khá nhờ cây dâu, con tằm

THÂN THU HIỀN 06:15, 10/04/2023

Sau nhiều năm bén rễ, sinh sôi trên vùng đất Tân Hà, huyện Lâm Hà, nghề “ăn cơm đứng” đã phát triển ổn định và mang lại thu nhập cao cho chị em hội viên phụ nữ trong Tổ hợp tác (THT) trồng dâu, nuôi tằm nơi đây. 

Chị em hội viên phụ nữ trong THT trồng dâu nuôi tằm khấm khá nhờ nghề “ăn cơm đứng”
Chị em hội viên phụ nữ trong THT trồng dâu nuôi tằm khấm khá nhờ nghề “ăn cơm đứng”

Đến xã Tân Hà, chúng tôi cảm nhận rõ đổi thay từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nếu như trước kia, dọc tuyến đường khu sản xuất chỉ thấy hàng chục ha cà phê thì giờ đây màu xanh bạt ngàn của những vườn dâu đã tô điểm cho một vùng quê hiền hòa, trù phú. 

Duy trì được 3 năm nay, THT trồng dâu, nuôi tằm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Hà đã thu hút được nhiều chị em hội viên tham gia. Là một trong những thành viên của THT trồng dâu, nuôi tằm, chị Trần Thị Hải (45 tuổi) chia sẻ, trước đây, gia đình tôi chỉ trồng cà phê để có thu nhập ổn định hằng năm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, cà phê có giá thành thấp, tôi chuyển qua trồng dâu, nuôi tằm với loại giống cũ. Gắn bó với “nghề ăn cơm đứng” nhiều năm, chị Hải bắt đầu có thêm nhiều kinh nghiệm trồng dâu và nuôi tằm hiệu quả. Đến năm 2015, chị học hỏi kinh nghiệm ở một số người dân và bắt đầu chuyển qua giống dâu mới để có thu nhập cao và cho năng suất tằm tốt hơn. 

Trung bình mỗi tháng, gia đình thu được 1 đến 1,5 hộp kén tằm từ 4 sào dâu với mức thu nhập hiện nay là 15 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. “Những năm gần đây, tôi được tham gia THT trồng dâu, nuôi tằm của Hội Phụ nữ, gia đình có thêm điều kiện được vay vốn và tham gia chia sẻ kinh nghiệm để chị em hội viên phát triển kinh tế” - chị Hải cho hay.

Cũng như gia đình chị Hải, gia đình chị Phùng Thị Cúc trước đây chủ yếu sống nhờ vào cà phê. Nhận thấy việc trồng dâu, nuôi tằm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần so với trồng cà phê, chị Cúc đã mạnh dạn bỏ gần 3 sào cà phê chuyển sang trồng dâu. “Riêng gia đình tôi, nuôi tằm 3 tháng cho 2 lứa kén với giá kén dao động từ 130 - 220 nghìn đồng/kg. Hiện, tôi có 2,7 sào dâu tại vườn và mở rộng diện tích 40 m2 làm nhà tằm. Phần lớn chị em trong tổ cũng như người dân địa phương chưa có đầu ra ổn định. Chủ yếu, sau khi có kén tằm, người dân sẽ mang đến các thương lái ở một số xã lân cận để bán. Với giá kén tằm hiện nay, giúp gia đình thu về khoảng 8 triệu đồng/lứa, sau khi đã trừ chi phí” - chị Cúc nói.

Với 5 năm gắn bó với nghề “ăn cơm đứng”, chị Cúc được các tổ viên tin tưởng bầu làm Tổ trưởng THT. Theo định kỳ, THT sẽ sinh hoạt 3 tháng một lần. Ở đó, ngoài việc kết hợp với Ban Nhân dân thôn, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể trong xã tuyên truyền các vấn đề và nội dung có liên quan đến trồng, chăm sóc và nuôi tằm, xử lý rác thải trong chăn nuôi tằm, các kiến thức về xử lý phân tằm để bón cho dâu. Cùng với đó, phối hợp với Hội LHPN xã Tân Hà tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, phân loại rác thải sinh hoạt... đến hội viên. Những khó khăn của chị em cũng được trao đổi, chia sẻ để kịp thời được hỗ trợ giải quyết.

Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hà cho biết: THT trồng dâu, nuôi tằm của chị em hội viên Hội Phụ nữ xã Tân Hà được thành lập từ năm 2020 với 8 hội viên tham gia và có tổng diện tích 1,6 ha dâu. Ngoài việc huy động hội viên vào tổ, Hội LHPN xã Tân Hà còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm cho hội viên. Bên cạnh đó, liên kết với các đơn vị thu mua để bao tiêu sản phẩm kén tằm ổn định để từ đó góp phần giúp chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Thời gian qua, Hội cũng đã duy trì hoạt động của THT Tiết kiệm và vay vốn trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Phúc Thọ 2 với số vốn là 450 triệu đồng. Sau khi tổng kết THT vốn xoay vòng, quyết toán dư nợ với số tiền là 50 triệu đồng.

Theo Hội LHPN huyện Lâm Hà, để hỗ trợ giúp chị em hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững, trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo sát sao các cơ sở Hội tiến hành rà soát, đánh giá hộ nghèo do Hội quản lý, có kế hoạch giúp đỡ thoát nghèo bằng những mô hình, việc làm cụ thể như: giúp về ngày công, con giống, tiền mặt, gạo...Trong đó, triển khai Đề án thí điểm Hỗ trợ cho THT phát triển các mô hình kinh tế dưới hình thức vay vốn quay vòng thành lập mới 7 THT tiết kiệm và vay vốn. Trong 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 6 THT tại các xã, thị trấn Tân Hà, Liên Hà, Đinh Văn, Phi Tô với số tiền 2,4 tỷ đồng.