Đó là ý trong câu nói của nhà văn Maxim Gorki. Điều đó rất đúng, bởi những trang sách chứa đựng cả kho tàng trí tuệ của nhân loại được kết tinh từ đời này đến đời khác. Sách đã mở những chân trời mới cho một thế hệ dành tình yêu cho sách, góp sức giành độc lập, thống nhất, kiến thiết dựng xây đất nước.
Nhà văn Nguyễn Thanh Hương giới thiệu với bạn văn tác phẩm vừa xuất bản tại nhà riêng |
Trên căn gác áp mái ngôi biệt thự ở đường Cô Giang, Phường 9, Đà Lạt là một thư viện với hơn 3.000 cuốn sách xếp ngay ngắn ngăn nắp trên các kệ, trải ra khắp phòng. Nơi ấy, hai nhà khoa học lão thành cũng là hai người “mọt sách” là nhà vật lý hạt nhân TS. Nguyễn Mộng Sinh và vợ là nhà sinh học Vũ Thị Yến hàng ngày vẫn lấy những cuốn sách làm bạn. Nhiều cuốn sách hay, giá trị được ông tích góp từ hơn 60 năm qua, khi bước chân vào đại học; nhiều cuốn sách tiếng Nga, tiếng Anh là món quà quý các bạn, các chuyên gia từ các nước tặng ông trong những năm tháng công tác.
12 năm du học và làm việc tại Nga về khoa học vật lý hạt nhân, “gia tài” mang theo khi về nước của TS. Nguyễn Mộng Sinh là những rương gỗ lớn, nhỏ chứa đầy sách. Sách giúp ông nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ để lĩnh hội những kiến thức mà ông đã học, thành chuyên gia đầu ngành, trở về xây dựng đất nước. Là Phó giáo sư, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân (đóng tại Đà Lạt), TS. Nguyễn Mộng Sinh với kiến thức chuyên ngành uyên thâm đã đặt nền móng và cống hiến không mệt mỏi cho sự phát triển vật lý hạt nhân - một ngành khoa học còn non trẻ của nước nhà.
Không chỉ đọc sách chuyên ngành đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu của mình, TS. Nguyễn Mộng Sinh còn đọc nhiều lĩnh vực, sách tra cứu, sách chuyên khảo, nhiều nhất là văn học Nga. Khi lớn tuổi, ông đọc nhiều sách khoa học xã hội nhân văn và am tường nhiều lĩnh vực: văn học, nghệ thuật, khoa học, tâm lý, lịch sử, địa lý, chính trị... Ở tuổi 84, trong các cuộc hội thảo khoa học của tỉnh, ông vẫn luôn có những ý kiến tham luận sắc bén ở nhiều lĩnh vực, về nhiều vấn đề, được nhìn từ nhiều góc độ, khía cạnh, nhiều chiều. Những ý kiến tư vấn phản biện ông nêu luôn sát sườn với thực tiễn, đồng thời, đưa ra các quyết sách, giải pháp thấu đáo trên cơ sở khoa học khiến thế hệ đi sau rất ngưỡng mộ. Ông cười bảo: “Nhờ sách mà tôi mở mang được tri thức. Nếu không có sách thì tôi không thể trở thành tôi của ngày hôm nay”.
Học sinh khám phá những điều thú vị qua những trang sách |
Nhà thuốc Đông y An Bình nằm khiêm nhường tại số 185 Phan Chu Trinh - Đà Lạt, mà ở đó bác sỹ Nguyễn Huy Toán lại có sức hấp dẫn đặc biệt. Hàng ngày ông vẫn chẩn trị, kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân bằng những thang, những vị góp phần đưa tinh hoa y học cổ truyền dân tộc trị tận gốc nguyên căn của bệnh. Kiến thức sâu về Đông y, ông luôn cho mọi người lời khuyên hữu ích, bệnh tật ở mức nào, bệnh gì thì nên dùng thuốc Đông y, khi nào thì cần đến Tây y. Sách đã bồi đắp tri thức, để bác sỹ Toán không chỉ giỏi nghề, mà là một người am tường, hiểu đời, yêu đời, yêu người; dành cả thanh xuân của mình chữa bệnh cứu người bằng “Nam dược trị Nam nhân” trong suốt những năm tháng công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch (Đà Lạt).
Sinh ra và lớn lên ở Thạch Thất - Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), sách theo ông suốt những năm tháng tuổi trẻ. Không gian sách của ông có hơn 1.000 cuốn sách được tích cóp từ khi bước chân vào đại học. Từ khi còn thiếu thốn đến khi đủ đầy, mỗi tháng ông luôn dành tiền mua ít nhất 1 cuốn sách, tủ sách không ngừng đầy đặn lên, tri thức của ông cũng không ngừng dày dặn hơn ở mọi lĩnh vực, nhất là y học và văn học Việt Nam. Nghỉ hưu, mỗi ngày vị bác sỹ vẫn tất bật kê đơn, bốc hàng trăm thang thuốc, sắc hàng ngàn thang thuốc bằng dây chuyền công nghệ tự động hiện đại (do ông đầu tư) theo yêu cầu của người bệnh và cung cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; nhưng hàng ngày ông vẫn dành thời gian cầm sách. Ông coi khoảng thời gian đọc những trang sách là khoảng lặng, là tìm đến sự tĩnh tại. Người bệnh đến bốc thuốc phấn chấn lên khi ông nói về tác giả, tác phẩm về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Bằng, nữ thi sĩ Thụy Khuê - những người ông yêu quý, cảm phục những trang viết của họ. Cùng với những thang thuốc trúng bệnh, trúng người, câu chuyện của ông như có sức truyền cảm hứng sống. Thuốc quý, lời hay thấm đẫm sự đời giúp bệnh nhân mau lành bệnh. Ông bảo: “Con người ta đôi khi già cũng chưa hết dại. Hãy đọc sách mỗi ngày để chúng ta khôn lên”.
Bố tôi, ông Nguyễn Thanh Hương (133 Nguyễn Đình Chiểu, khu phố 5C, thị trấn Đạ Tẻh) sinh ra, lớn lên trong 2 cuộc chiến chống Pháp và Mỹ với muôn vàn khó khăn. Ông có tình yêu đặc biệt với chữ nghĩa, nhưng trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, tuổi trẻ của ông có sách để đọc như một món quà quý. Những ngày còn học cấp ba, bố tôi từng đi bộ hàng chục cây số dọc đê sông Hồng lên tận xã Cổ Đô (Ba Vì - Hà Nội bây giờ) chỉ để mượn bạn học lấy một cuốn sách. Trên đường trở về, ông vừa đi vừa đọc cho chóng xong và trả bạn đúng hẹn. Khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn ác liệt, ông trở thành thanh niên xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình. Ban ngày, ông cùng đoàn dân công hỏa tuyến lấp hố bom khi máy bay Mỹ vừa trút xuống; đêm ông lại đi bộ 5 cây số đến một ngôi trường cấp hai sơ tán gần đó mong mượn sách của các thầy giáo dạy văn cấp hai để đọc. Trở về căn hầm tối, ông lần giở những trang sách trong ánh đèn chữ mờ chữ tỏ.
Sách như người bạn đồng hành gắn với bố tôi suốt những năm tháng tuổi trẻ, dù khi có, khi không. Sách làm cho bố tôi học giỏi nhất môn Văn và nuôi lớn mơ ước viết nên những trang sách cho người khác cùng đọc; trong gian khó, sách có sức mạnh động viên ông vượt qua mưa bom bão đạn với niềm tin vào ngày chiến thắng bằng lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sách là điểm tựa để bố tôi nỗ lực thực hiện ước mơ thành nhà văn, và đến nay 14 tiểu thuyết đã được xuất bản.
Trở thành nhà văn, nhưng thi thoảng tôi vẫn chứng kiến bố tôi cúi xuống những trang sách, tờ báo mà đàn con 5 đứa vô tình mặc cho rơi xuống đất, ông nhặt lên vuốt phẳng phiu, rồi đọc lướt qua và mang đặt lên chồng sách một cách nâng niu để có khi lại cần đến những tri thức chứa đựng trong những con chữ đó.
Thế hệ đi trước đã vượt qua bao khó khăn trên con đường tìm kiếm trau dồi tri thức trong điều kiện vật chất thiếu thốn. Trong thời đại kỹ thuật số cùng sự phát triển các phương tiện nghe nhìn hiện đại, với nhiều trang thiết bị thông minh hỗ trợ ta đọc sách. Có thể khẳng định đọc sách vẫn là phương cách hữu hiệu nhất, vẫn là người bạn tốt nhất đồng hành trên con đường đến với tri thức. Hãy đọc sách vì sách vẫn luôn mở ra cho chúng ta những chân trời mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin