Tạo sinh kế bền vững trong vùng đồng bào DTTS ở Đam Rông

NGỌC NGÀ 05:17, 26/04/2023

Từ năm 2016 đến nay, việc đầu tư tạo sinh kế bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Đam Rông đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực này nói riêng và của cả huyện nói chung.

Huyện Đam Rông chú trọng đầu tư tạo sinh kế bền vững trong vùng đồng bào DTTS
Huyện Đam Rông chú trọng đầu tư tạo sinh kế bền vững trong vùng đồng bào DTTS

Với địa phương có xuất phát điểm thấp, khoảng 65% dân số là người đồng bào DTTS như Đam Rông, xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Để thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, huyện Đam Rông đã chú trọng triển khai có hiệu quả các chương trình đầu tư từ nguồn vốn của Trung ương, địa phương nhằm tạo sinh kế bền vững trong vùng đồng bào DTTS.

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đam Rông, giai đoạn 2016 - 2022, vùng đồng bào DTTS huyện Đam Rông tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ nhiều chương trình, chính sách, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, Trung ương, tỉnh, UBND huyện đã cụ thể hóa thành kế hoạch và văn bản chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn để tăng hiệu suất, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các chương trình dự án, đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo được nghiên cứu, phân kỳ theo thứ tự ưu tiên nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững đảm bảo đúng quy định.

Thống kê cho thấy, tổng nguồn lực để triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đam Rông giai đoạn 2016 - 2022 là trên 60,5 tỷ đồng. 

Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình là trên 59,8 tỷ đồng với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ nguồn vốn này, huyện Đam Rông đã tiến hành thực hiện hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ về phân bón, giống cây trồng, vật nuôi và dụng cụ máy móc phục vụ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Theo đánh giá của huyện Đam Rông, giai đoạn này, các mô hình giảm nghèo và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ nghèo đồng bào DTTS đều được triển khai đến người dân. Bà con được tiếp cận với giống, cây trồng vật nuôi mới và được hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt - chăn nuôi đem lại năng suất cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất ở một số địa phương đem lại hiệu quả chưa cao, việc cấp con giống, cây trồng ở một số nơi không có hiệu quả do việc chăm sóc của một số hộ chưa đảm bảo. Một số hộ dân không nhận thức được sự hỗ trợ của Nhà nước, không có tinh thần tránh nhiệm, ít quan tâm đến cây trồng, vật nuôi dẫn đến không đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ theo quy định còn thấp, giá cả thị trường không ổn định gây khó khăn trong việc nhân rộng mô hình.

Năm 2021 - 2022, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình là 709 triệu đồng nhằm đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo. Tuy nhiên, do kế hoạch vốn phân bổ chậm, mặt khác do vướng một số quy định về phạm vi địa bàn và đối tượng thực hiện, định mức dẫn đến các chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện được.

Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo trên địa bàn huyện Đam Rông được đẩy mạnh thực hiện. Năng lực tổ chức, ý thức thực hiện chính sách giảm nghèo được nâng lên cả trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư. Hầu hết các hộ nghèo người đồng bào DTTS đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, các dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội cơ bản.

Các chính sách giảm nghèo có tính đặc thù (Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 135,...), được triển khai đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Huyện Đam Rông cũng đã ưu tiên bố trí các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đầu tư xây dựng các công trình đã có tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người nghèo,… nâng cao mức độ hưởng thụ, trình độ dân trí cho người dân.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện nay chiếm 6,9% (hộ nghèo người đồng bào DTTS chiếm 11,59%), con số này còn cao so với bình quân chung của toàn tỉnh. Điều này đặt ra nhiều nhiệm vụ cho huyện Đam Rông trong thời gian tiếp theo.

Để tiếp tục đầu tư tạo sinh kế bền vững trong vùng đồng bào DTTS, huyện Đam Rông đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch về giảm nghèo; gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu trọng tâm của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động về giảm nghèo đến với mọi tầng lớp Nhân dân; trong đó chú trọng đẩy mạnh thông tin, truyền thông tại các địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường, cùng với khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cải thiện điều kiện sống của người nghèo; cận nghèo thông qua các dịch vụ xã hội cơ bản.

Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm cho người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thông qua việc thực hiện các công trình dự án quy mô nhỏ, đơn giản theo phương châm “xã có công trình, dân có việc làm kiếm thêm thu nhập”; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, gắn với trồng rừng và bảo vệ rừng...

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách về giảm nghèo; sự biến động tăng, giảm hộ nghèo, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, tập thể, cá nhân gương mẫu trong thực hiện công tác giảm nghèo, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả tổ chức triển khai công tác giảm nghèo.