Thứ 4, 23/04/2025, 11:55

Tháng Tư về thăm trường cũ

TRỌNG HOÀNG 08:31, 29/04/2023

Những ngày tháng Tư lịch sử, các tỉnh, thành miền Nam tưng bừng tổ chức kỷ niệm ngày giải phóng quê mình và Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy sôi sục khắp nông thôn đến thành thị.

Tiến sỹ Mai Minh Nhật - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt tặng hoa chúc mừng cựu sinh viên
Tiến sỹ Mai Minh Nhật - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt tặng hoa chúc mừng cựu sinh viên

Riêng ở Đà Lạt, sự kết hợp giữa các mũi tiến công quân sự vây ép bên ngoài và phong trào nổi dậy của Nhân dân bên trong mà nòng cốt là lực lượng thanh niên, sinh viên và học sinh một cách nhịp nhàng bài bản làm cho kẻ địch có trong tay hàng nghìn quân đã hoang mang tháo chạy và chúng ta làm chủ thành phố đẹp nổi tiếng của khu vực Đông Nam Á nguyên vẹn không đổ nát đúng ý đồ chỉ đạo của Thị ủy Đà Lạt lúc bấy giờ.

Nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Đà Lạt 3/4/1975, ngày 3/4/2023 vừa rồi, các anh chị cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt giai đoạn 1970 - 1975 đã trở lại thăm trường cũ trong sự đón tiếp chân tình, ấm áp và chu đáo của Ban Giám hiệu, các phòng, ban các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Đà Lạt hôm nay. Theo giới thiệu và yêu cầu của thầy Phó Hiệu trưởng TS Mai Minh Nhật, đại diện của đoàn cựu sinh viên có vài phút ôn lại những kỷ niệm năm xưa như khắc thêm một nét truyền thống của Trường Đại học Đà Lạt đang trên bước đường tiến lên hiện đại sánh vai cùng các trường đại học lớn trên thế giới:

Tháng 12 năm 1970, Đại hội sinh viên Phật tử miền Nam Việt Nam đã diễn ra tại TP Đà Lạt tươi đẹp, được cho là một sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ trường học miền Nam, sinh viên Đại học Đà Lạt đã cùng các bạn sinh viên Huế, Sài Gòn, Cần Thơ... tổ chức nhiều buổi hội thảo lên án Mỹ xâm lược và chính quyền bù nhìn tay sai Mỹ. Những bài hát đấu tranh được truyền đi khắp các trường học ở Đà Lạt. Kết thúc đại hội đã ra bản tuyên ngôn đòi Mỹ và quân đội ngoại bang rút về nước, đòi quyền dân tộc tự quyết; không thừa nhận chính quyền hiện tại; đòi tổng tuyển cử thống nhất 2 miền. Đại hội đã thổi một làn gió mới vào không khí chính trị ở Đà Lạt. Những nhân tố mới tích cực thể hiện rõ lòng yêu nước sẵn sàng dấn thân đã xuất hiện, được kết nạp vào tổ chức bí mật trong trường đại học. 

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1971, cả miền Nam bùng lên những đợt sóng tranh đấu đòi tẩy chay bầu cử tổng thống độc diễn của chính quyền miền Nam. Tại Đà Lạt, hàng ngàn sinh viên, học sinh và đồng bào đã xuống đường biểu tình kéo dài suốt một tuần lên án trò hề độc diễn của Tổng thống Thiệu. Sau cuộc tranh đấu, một số sinh viên được rút vào căn cứ học tập tình hình nhiệm vụ mới, kết nạp đoàn viên và thành lập chi đoàn đầu tiên tại Viện Đại học Đà Lạt vào mùa hè năm 1972. Các đoàn viên lần lượt rời căn cứ vào những đêm tối trời về thành phố trở lại trường vừa học tập vừa hoạt động bí mật góp phần cho nhiệm vụ chung giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1973, có 2 đoàn viên được kết nạp Đảng, hình thành một tổ Đảng tại Viện Đại học Đà Lạt. Tổ Đảng và chi đoàn đã phát triển nhiều cơ sở mật và cảm tình cách mạng trong Viện Đại học, các trường cao đẳng, trung học, thanh niên lao động trong thành phố và cả trong lực lượng Nhân dân tự vệ do địch lập ra.

Ngày 20/3/1975, giao liên từ căn cứ ra thành phố đem theo thư chỉ đạo của Thị ủy và nội dung 2 tờ truyền đơn kêu gọi đồng bào nổi dậy giải phóng Đà Lạt và kêu gọi binh lính sỹ quan Việt Nam Cộng hòa quay súng làm binh biến cùng cách mạng giải phóng thành phố... Chi đoàn đã bí mật tổ chức in và rải khắp thành phố vào đêm 26/3 rạng sáng ngày 27/3/1975. Cùng lúc đó, lực lượng vũ trang ta đánh ép từ bên ngoài, các đội công tác của Thị ủy bám sát các xã, phường ven thành phố làm kẻ địch hoang mang dao động rút chạy vào đêm 31/3/1975. Tổ Đảng, chi đoàn bí mật, nay ra công khai tập hợp lực lượng đã chuẩn bị trước, lấy súng địch trang bị cho thanh niên, sinh viên, học sinh thành lập Ủy ban khởi nghĩa, tổ chức lực lượng tự vệ thành đeo băng đỏ cầm súng đi chiếm giữ các vị trí quan trọng trong thành phố và bắc loa kêu gọi sỹ quan binh lính, công chức của chế độ Sài Gòn nộp vũ khí để được bảo đảm an toàn tính mạng. 10 giờ sáng ngày 2/4/1975, tổ Đảng và chi đoàn cho treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc rạp Hòa Bình, trung tâm thành phố; đồng thời, vận động Nhân dân treo cờ, đến chiều ngày 2/4 các phường trung tâm Đà Lạt đã rợp bóng cờ giải phóng và cờ đỏ sao vàng. Ngày 3/4/1975, đón bộ đội và Thị ủy vào tiếp quản Đà Lạt nguyên vẹn không đổ nát, điện vẫn sáng, nước vẫn đủ, các kho gạo vẫn đầy, bệnh viện vẫn hoạt động. Ngân khố, tòa hành chánh tỉnh, nha Địa dư, lò Nguyên tử... được bảo vệ nguyên vẹn, sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ mới, cuộc sống mới.

Tham gia đoàn cựu sinh viên giai đoạn 1970 - 1975 về thăm trường, ngoài những cựu sinh viên sớm có điều kiện tiếp cận cách mạng, một thời dám dấn thân vì sự nghiệp lớn của đất nước, còn có những cựu sinh viên không có điều kiện tham gia trong những ngày hoa lửa, nhưng họ đã tiếp cận cách mạng và tham gia công tác ngay từ những ngày đầu giải phóng, họ đã tận tụy, kiên trì cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn về kinh tế của đất nước, vượt qua những trở ngại riêng của bản thân, của gia đình để cống hiến hết cuộc đời mình cho TP Đà Lạt, cho tỉnh Lâm Đồng và cho những vùng quê khác trên cả nước. Rất đáng trân trọng!

Các cựu sinh viên tìm lại những kỷ niệm một thời đã qua, từ giảng đường Văn khoa, Chính trị kinh doanh, Sư phạm, Khoa học... đến các phòng thí nghiệm sinh, hóa, lý. Bước đi trở lại trên những con đường rợp bóng anh đào và những bậc đá ngày xưa vẫn được gìn giữ qua hàng triệu bước chân của bao nhiêu thế hệ sinh viên từ đây đi ra khắp mọi miền đất nước và ra cả thế giới. Một chút lắng đọng để quay trở lại một thời áo trắng, nhưng các cựu sinh viên tự hào và vui mừng nhiều hơn về những thành quả và sự phát triển lớn mạnh của Trường Đại học Đà Lạt sau 48 năm dưới chế độ mới.

Tiến sỹ Mai Minh Nhật - Phó Hiệu trưởng cho biết, từ tháng 10/1976, Trường Đại học Đà Lạt được thành lập trên cơ sở kế thừa cả về đội ngũ và cơ sở vật chất từ Viện Đại học Đà Lạt với diện tích khoảng 40 ha được xây dựng nội dung theo triết lý Thụ Nhân. Từ đó đến nay, Trường Đại học Đà Lạt đã không ngừng phát triển, để ngày nay trở thành một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Hiện nay, trường có 450 viên chức và người lao động, trong đó có 315 giảng viên gồm 1 giáo sư, 16 phó giáo sư, 103 tiến sỹ, 164 thạc sỹ. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỉ lệ hơn 40%. Nhiều giảng viên, nhà khoa học của trường là chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực nghiên cứu của mình, điển hình như Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tiến Sơn đã đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 được Tạp chí khoa học Scientist (Singapore) vinh danh thuộc danh sách 100 nhà khoa học xuất sắc nhất châu Á. Quy mô đào tạo hiện nay của trường là hơn 11.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh với 41 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy, 10 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ và 6 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều bài báo khoa học của trường được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao. Tạp chí khoa học của trường không ngừng được nâng cấp cả nội dung và hình thức, đến nay, tạp chí đã hoàn thành việc chuẩn hóa các chính sách và quy trình xuất bản theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, hội đủ điều kiện và được kết nạp làm thành viên chính thức của Ủy ban đạo đức xuất bản quốc tế, được chỉ mục vào thư mục các tạp chí truy cập tự do DOAJ. Cơ sở vật chất của trường cũng ngày càng được đầu tư xây dựng, trang bị hiện đại hơn trước nhiều, các giảng viên và sinh viên mà chúng tôi gặp đều bày tỏ niềm tự hào được giảng dạy và học tập dưới mái trường có cơ sở vật chất tiên tiến, có cảnh quan đẹp, thơ mộng vào bậc nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Đất nước đang phát triển và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, theo đó Trường Đại học Đà Lạt tiếp tục đi tới trên cơ sở triết lý: Thụ nhân - Khai phóng - Bản sắc. Các giá trị cốt lõi này xác định những nguyên tắc căn bản cho mọi quyết định hoạt động của trường. Thụ nhân, học làm người, mang đậm tính nhân bản nuôi dưỡng nơi người học tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và lòng nhiệt thành phụng sự Tổ quốc. Khai phóng nhằm đào tạo ra những con người có nền tảng kiến thức rộng, có tư duy phản biện, có kỹ năng nghề nghiệp linh hoạt, có khả năng sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi không ngừng của xã hội. Bản sắc là nhằm đào tạo những con người gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, ở đây Trường Đại học Đà Lạt còn có tham vọng định hướng trang bị cho sinh viên phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách. 

Tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Đà Lạt sẽ là cơ sở giáo dục đại học được kiểm định theo các tiêu chuẩn AUN-QA và phát triển từ Trường Đại học Đà Lạt thành Đại học Đà Lạt với ít nhất ba trường thành viên. Với lực lượng khoa học ngày càng hùng hậu, ban giám hiệu trẻ trung , trí tuệ, năng động, định hướng táo bạo sẽ đưa Đại học Đà Lạt chuyển lên một giai đoạn mới. Các cựu sinh viên nhiều thế hệ của Viện Đại học Đà Lạt ngày xưa, Trường Đại học Đà Lạt ngày nay và Đại học Đà Lạt sau này sẽ mãi tự hào về ngôi trường một thời mình đã đi qua.