Xây dựng ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

VIẾT TRỌNG 06:14, 03/04/2023

Ngành chức năng tỉnh đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội số trong tỉnh theo các mục tiêu mà Đề án 06 của Chính phủ đã phê duyệt vào đầu năm 2022.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030

96,3% CÔNG DÂN TRONG TỈNH ĐÃ ĐƯỢC CẤP CCCD

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tại địa phương, Lâm Đồng đã thành lập và đi vào hoạt động Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các tổ công tác tại các sở, ngành liên quan, tại 12 huyện, thành phố cho đến các cấp cơ sở xã, phường, tổ dân phố nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). 

Cho đến nay, toàn bộ 168/168 cơ sở khám, chữa bệnh tại Lâm Đồng đã thực hiện khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng thẻ căn cước công dân (CCCD). Tỉnh đã liên thông dữ liệu của Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để truy xuất dữ liệu khi người dân có BHYT; tổng số lượt tra cứu bằng CCCD khi đi khám, chữa bệnh BHYT tính đến đầu tháng 3 khoảng 267.655 lượt, trong đó có 159.879 lượt tra cứu thành công.

Cùng đó, tính đến ngày 10/3/2023, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lâm Đồng cũng đã cập nhật, xác thực giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được 774.317 người, đạt tỷ lệ 73% số người đang tham gia BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH tỉnh quản lý, nhằm phục vụ người dân đi khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD cũng như để thực hiện các thủ tục hành chính khác. Sở Y tế Lâm Đồng cũng phối hợp cập nhật thông tin về dữ liệu tiêm chủng COVID-19. 

Cũng tính đến ngày 10/3/2023, cơ quan tư pháp trên toàn tỉnh đã rà soát, số hóa dữ liệu hộ tịch 802.674 thông tin; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội cho 35.571/35.715 người, đạt tỷ lệ 99,96%, đưa vào hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mục tiêu của Đề án và ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn vi mạch điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích bao gồm: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân đủ điều kiện tại địa phương, Công an tỉnh đã tổ chức 2 đợt cao điểm gồm đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn vi mạch điện tử cho toàn bộ công dân trong độ tuổi theo quy định, kết hợp thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử và đợt cao điểm “90 ngày đêm” với các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. 

Ngành Công an cũng có các giải pháp nhằm bảo đảm hoàn thành tiến độ các chỉ tiêu phục vụ xây dựng dữ liệu dân cư, cấp CCCD, cấp định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến phục vụ triển khai hiệu quả quy định Luật Cư trú năm 2020.

Tính đến ngày 10/3/2023, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thu nhận 1.311.638 hồ sơ cấp CCCD công dân trong diện theo quy định, đạt 96,3%; đã thu nhận 789.018 hồ sơ định danh điện tử cho công dân, trong đó có 563.725 tài khoản định danh điện tử mức 1 và có 225.293 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử mức 2.

CẦN KẾT NỐI VỚI CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA

Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết, vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc triển khai hiệu quả Đề án 06 tại địa phương Lâm Đồng.

Trước nhất, do dân cư phân bố không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt về trình độ dân trí giữa các khu vực; một số địa phương, khu vực chưa đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thiếu hệ thống đường truyền, kết nối mạng internet, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên ảnh hưởng nhất định đến kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai số hóa hồ sơ, tài liệu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch đề ra; dữ liệu về tiêm chủng, dữ liệu BHXH chưa hoàn thành việc kiểm tra đánh giá lại; việc thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử đạt tỷ lệ chưa cao.

Cùng đó, công tác phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về Đề án 06 còn chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, còn nặng tính hình thức; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Vẫn còn không ít người dân đến nay chưa nhận biết về sự tiện lợi cũng như cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhiều người còn tâm lý e ngại thao tác nộp hồ sơ trực tuyến, vẫn trực tiếp đến các cơ quan hành chính để nộp hồ sơ.

Và như tỉnh đánh giá, Đề án 06 có khối lượng công việc rất nhiều, bao quát gần như toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội nên các sở, ngành, địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện; nhân lực của các tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 ở cấp cơ sở hầu hết là những cán bộ lớn tuổi, trình độ, năng lực, nhất là trình độ hiểu biết về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin còn hạn chế, thường kiêm nhiệm nhiều công việc nên phần nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác triển khai thực hiện Đề án ở địa phương.

Điều đáng nói, hiện nay, do nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh vẫn chưa được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ chia sẻ dữ liệu, cho nên trong dịp này, ngành chức năng tỉnh đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về các tiện ích mang lại cho người dân đến cộng đồng dân cư; “làm sạch” thông tin thuê bao để giải quyết vấn đề “sim rác”, đảm bảo người dân có sim chính chủ để làm tài khoản định danh điện tử, phục vụ nhiệm vụ phát triển công dân số, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành chức năng tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ hỗ trợ địa phương hoàn thành kết nối nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.