Khuyến khích học sinh đọc sách mở rộng kiến thức; hướng những em có đam mê vào nghiên cứu khoa học..., cô giáo cùng nhiều học sinh ở một trường trung học cơ sở tại TP Đà Lạt đã liên tục gặt hái không ít thành công trong những năm qua.
Cô giáo Trần Thị Phương Thảo cùng 2 học sinh Nguyễn Hoàng Nam Phương và Lê Nguyễn Bảo Ngân tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học của tỉnh, niên học 2022-2023 |
Đó là cô giáo Trần Thị Phương Thảo, sinh năm 1987, giáo viên môn Văn, Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt.
Người quê Hưng Yên, học tại Trường Đại học Đà Lạt, cô giáo Phương Thảo bước vào nghề giáo viên từ năm 2012, từng công tác tại Trường THCS và THPT Xuân Trường thuộc một xã vùng ven Đà Lạt rồi sau đó chuyển về Trường THCS Nguyễn Du từ năm 2017.
Là giáo viên dạy Ngữ Văn, một trong những công việc mà cô Thảo luôn chú ý trong các giờ dạy của mình chính là khuyến khích học sinh tinh thần yêu sách và đọc sách. “Sứ mệnh của một giáo viên dạy Văn là đưa học sinh đến với những giá trị đẹp trong cuộc sống. Làm thế nào để các em yêu các trang sách là nhiệm vụ quan trọng của người dạy” - cô nói.
Như cô Thảo nhận xét, khi truyền được cho học sinh niềm say mê với từng trang sách thì chính các em sẽ dần lan tỏa tình yêu sách đến với bạn bè đồng trang lứa, góp phần tạo nên phong trào đọc sách trong các lớp, trong trường học.
Trong dạy học, cô Thảo luôn dành thời gian thích hợp để khuyến khích học sinh phát biểu, kể lại các câu chuyện, chia sẻ những ý tưởng, suy nghĩ hay từ bài học và từ các cuốn sách đọc được. Cô cũng giới thiệu các cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi để các em tìm đọc.
“Những cuốn sách hay, những câu chuyện đẹp sẽ góp phần không nhỏ để giáo dục các em lòng thấu cảm, sự sẻ chia, lòng trắc ẩn, hình thành ở các em nhân cách và đạo đức tốt đẹp” - cô Thảo suy nghĩ.
Với công tác chủ nhiệm lớp, cô cho biết luôn tìm cách tạo bầu không khí vui tươi trong các giờ sinh hoạt lớp, “học mà chơi, chơi mà học”, để các em có thể chia sẻ những suy nghĩ, những điều muốn nói, lắng nghe những lời khuyên, lời góp ý của cô giáo và bạn bè nhằm cổ vũ, động viên các em trong học tập.
“Khi học sinh có nhiều điểm khác biệt về tính cách, tôi phân tích cho các em những điều hay lẽ phải, giúp các em nhận ra giá trị sống, hướng đến những điều tích cực, giúp các em tháo gỡ khó khăn. Nhờ sự gắn kết đó, các em trong lớp biết đoàn kết, yêu thương, giúp nhau cùng tiến bộ” - cô Thảo nói.
Cô Phương Thảo lâu nay cũng là một thành viên tích cực trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của trường. Cô cùng các đồng nghiệp trong tổ bộ môn chọn những học sinh có tố chất, có năng khiếu, có niềm yêu thích môn Văn để tổ chức các lớp bồi dưỡng trong năm học. Trong quá trình bồi dưỡng, tổ và cô chú ý bồi dưỡng những kiến thức lý luận cơ bản cho các em liên quan đến các khía cạnh của văn chương như chủ đề, hình tượng nhân vật, tư tưởng nghệ thuật, phong cách nghệ thuật... từng tác giả để học sinh lĩnh hội. Tổ bộ môn cùng cô Thảo cũng hướng dẫn học sinh học theo đặc trưng kiểu bài, dạng bài hay chủ đề, đi từng bước từ cơ bản đến nâng cao.
“Người dạy Ngữ Văn, theo tôi phải là người gieo vào tâm hồn học trò tình yêu văn học, khơi gợi các em niềm say mê từng con chữ, từng trang sách. Có như thế học trò mới tim thấy niềm hứng thú và động lực để cố gắng hoàn thiện hơn mỗi ngày cho từng bài viết của mình” - cô Thảo chia sẻ.
Cùng đó, trong 3 năm gần đây, cô Phương Thảo cũng là một trong những giáo viên có nhiều đóng góp cho nhà trường trong hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học với các đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội. “Khoa học xã hội rất rộng nên tôi và các em chọn nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội học hành vi. Định hướng cho học sinh của mình lựa chọn các đề tài với những giải pháp đưa ra mang tính cấp thiết, khả thi, phù hợp với lứa tuổi, tránh tình trạng làm đối phó, hoặc chỉ làm lý thuyết chung chung” - cô cho biết.
Khi hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, theo cô Thảo, một nguyên tắc luôn tuân thủ, đó là giáo viên chỉ là người dẫn đường, tuyệt đối không được làm thay học sinh. “Là giáo viên, mình cần nuôi dưỡng được niềm đam mê, say mê nghiên cứu khoa học cho học sinh, tự thân các em phải làm từng bước với sự hướng dẫn cẩn thận của giáo viên” - cô chia sẻ.
Trong dạy học, cô Thảo cho biết, luôn cố gắng, nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp; tích cực đổi mới phương pháp dạy học; tích cực tìm tòi, áp dụng những phương pháp mới để nâng chất lượng giảng dạy.
Cô Thảo cho biết, cho đến nay, phong trào đọc sách đã từng bước lan rộng trong Trường THCS Nguyễn Du. Cùng với việc xây dựng một thư viện với rất nhiều sách, nhà trường đến nay sau các buổi chào cờ đã tổ chức kể chuyện theo sách và giới thiệu sách hay cho học sinh trong trường.
Trong năm học vừa qua, với sự hướng dẫn của cô giáo Phương Thảo, đã có học sinh trong trường đoạt giải B cấp quốc gia Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2022”. Tại tổ Văn, cô Thảo cùng các đồng nghiệp đã có những thành tích rất tốt trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Chỉ tính trong 3 niên học gần đây, trong môn Văn học sinh của trường đã đoạt 20 giải cấp thành phố, 7 giải cấp tỉnh. Riêng với cô Thảo, trong năm học 2022-2023 cả 6/6 học sinh cô bồi dưỡng đều đạt học sinh giỏi cấp thành phố, 4 học sinh trong số này được chọn dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu khoa học “Giáo dục trí tuệ cảm xúc EQ cho học sinh trung học cơ sở TP Đà Lạt” của cô Phương Thảo hướng dẫn cho 2 học sinh trong trường là Nguyễn Hoàng Nam Phương, lớp 9 A14 và Lê Nguyễn Bảo Ngân, lớp 9 A11 đã đoạt giải Nhất cấp tỉnh Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học của tỉnh niên học 2022-2023.
“Để đạt được thành tích như vậy, bên cạnh nỗ lực cá nhân còn có sự góp sức, giúp đỡ rất lớn của các đồng nghiệp trong tổ bộ môn chúng tôi; sự hỗ trợ kịp thời của nhà trường và cấp trên để tạo điều kiện làm việc và đây là niềm khích lệ rất lớn để tôi tiếp tục cố gắng trong thời gian đến” - cô Phương Thảo cho biết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin