Nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh; nắm vững các quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia; lựa chọn phương pháp giám sát phù hợp với HĐND ở mỗi cấp - đó chính là cách để phát huy vai trò giám sát của HĐND trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ trương đầu tư xây dựng nông thôn mới giúp người dân Lâm Đồng được thụ hưởng nhiều chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hiện đại |
Mục tiêu chung của cả nước đến năm 2025 đạt ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, Tây Nguyên là 68%; ít nhất 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân chung của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 20% huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Phấn đấu 60% số thôn, buôn, làng, ấp, bản, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới do UBND tỉnh quy định tiêu chí.
Trên cơ sở quy định của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng đã cụ thể hóa nội dung xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí: Về giao thông; thủy lợi; cơ sở vật chất văn hóa; hạ tầng thương mại nông thôn; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố; tổ chức sản xuất, gồm việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực; bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống; khuyến nông cộng đồng; tỷ lệ thôn, bản đạt chuẩn văn hóa; thủ tục mai táng phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm văn hóa từng dân tộc; về kế hoạch bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho người dân…
Về cơ bản, Lâm Đồng đã và đang triển khai rất tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 81/2022 về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mục tiêu căn bản là hướng đến triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới phải gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn và thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Mục tiêu tỉnh Lâm Đồng hoàn thành và được công nhận là tỉnh nông thôn mới trước năm 2025; 10 huyện và 2 thành phố đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu để huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Di Linh, Lạc Dương, Đam Rông đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Huyện Đơn Dương và Đạ Tẻh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, riêng huyện Đơn Dương phải tăng tốc, nỗ lực hoàn thành và đạt chuẩn kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh; huyện Đạ Tẻh phấn đấu đạt chuẩn kiểu mẫu về cảnh quan nông thôn; huyện Đức Trọng hoàn thành đề án trong quá trình đô thị hóa.
Tỉnh đã và đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu có thêm ít nhất 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước năm 2025, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
Để đạt mục tiêu nêu trên, nhiều năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã không ngừng quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất về nguồn lực tập trung cho nông thôn mới. Theo Quyết định 263/QĐ-TTg, HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ vốn thực hiện chương trình gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương, hướng đến bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lắp với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Cũng theo quy định, HĐND cấp tỉnh quyết định cụ thể tỷ lệ phân cấp nguồn vốn thu để lại cho ngân sách xã, huyện từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, có thu tiền sử dụng đất sau khi hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích các địa phương có kinh tế phát triển, hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, HĐND các cấp, đại biểu HĐND các cấp cần nắm được những kiến thức căn bản để giám sát thực hiện các nguyên tắc khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, đại biểu cần giám sát xem thực hiện các nguyên tắc đó tại địa phương có phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát chương trình. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, thiếu hiệu quả, gây lãng phí và giám sát không để nợ đọng về xây dựng cơ bản. Có như thế mới phát huy hiệu quả thực chất của xây dựng nông thôn mới, Nhân dân, cử tri tin tưởng gửi gắm đại biểu HĐND.
Cụ thể như, tại một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện và phát huy tốt vai trò giám sát hoạt động xây dựng nông thôn mới như: Trên cơ sở kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri, qua kênh thông tin báo chí, qua báo cáo định kỳ của UBND các cấp, HĐND, đại biểu HĐND có thể xác định được đối tượng, phạm vi để thực hiện giám sát. Ví dụ như giám sát UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn của UBND, văn phòng điều phối chương trình, ban chỉ đạo chương trình… và chọn nội dung, vấn đề giám sát phù hợp thực tiễn cơ sở. Nội dung giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để từ đó phát hiện ra những thiếu sót hoặc tồn tại để có chỉ đạo, biện pháp khắc phục, xử lý sai phạm, thiếu sót kịp thời. Tất cả đều hướng đến vì quyền lợi Nhân dân, vì lợi ích Nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin