(LĐ online) - Sau thời gian học “chay”, các trường trên địa bàn tỉnh đã từng bước triển khai chương trình giáo dục địa phương (GDĐP) theo tài liệu mà Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức biên soạn, qua đó góp phần khơi dậy tình yêu quê hương và cung cấp các kiến thức gần gũi từ thực tế cho cả giáo viên và học sinh.
Học sinh Trường THCS Lam Sơn hào hứng khi được tìm hiểu về Khu di tích lịch sử Cát Tiên |
• QUÊ HƯƠNG GẦN GŨI HƠN QUA TỪNG TRANG SÁCH
“Dù bắt đầu từ học kỳ II mới có sách giáo khoa lớp 7 nhưng nhà trường cũng đã chủ động phân công giáo viên các bộ môn phụ trách và xếp lịch dạy để học sinh có thể tiếp cận đầy đủ các nội dung chuyên đề trong tài liệu GDĐP”, cô Nguyễn Thị Song – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn (TP Đà Lạt) cho biết.
Năm học này, Trường THCS Lam Sơn tổ chức dạy chương trình GDĐP ở 2 khối lớp 6 và 7. Ngay từ đầu năm học, trường đã chủ động xây dựng thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy để đảm bảo đầy đủ 35 tiết trong năm. Nhà trường đã sắp xếp các tiết học GDĐP xen kẽ vào các buổi chiều, tại các phòng học có trang bị máy chiếu, ti vi để ngoài sách giáo khoa, giáo viên trình chiếu thêm hình ảnh, video clip đã sưu tầm về các địa danh hay nội dung được nhắc đến trong bài.
“Từ khi có tài liệu thì cả cô và trò đều hứng thú trong mỗi giờ dạy. Nội dung trong sách được xây dựng phù hợp, hệ thống kiến thức một cách logic, bám sát với nội dung các bộ môn trong chương trình chính. Qua đó giúp cho học sinh hiểu được cội nguồn, lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh nhà, biết được giá trị, đặc trưng từng vùng miền về lịch sử, văn học, kinh tế, văn hóa… giúp các em biết được lợi thế của địa phương. Môn học cũng không mang nặng các con số hay dữ liệu nên các em cũng thoải mái trong quá trình học”, cô Nguyễn Thị Hồng Vân – Giáo viên Lịch sử - Công dân Trường THCS Lam Sơn cho biết.
Đây cũng là năm thứ 2 em Hồ Hoàng Hà - Học sinh lớp 7A9 Trường THCS Lam Sơn được biết nhiều hơn về nơi mình sinh ra và lớn lên. Hoàng Hà bảo rằng nhờ chương trình GDĐP mà em biết đến nhiều địa danh nổi tiếng của tỉnh. Em cũng nắm được những đặc điểm riêng về lịch sử hình thành và phát triển, khí hậu và thổ nhưỡng, vẻ đẹp của đa dạng sinh học nơi Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà hay một số đặc điểm nổi bật về văn hóa đặc trưng của các dân tộc…
Hoàng Hà chia sẻ: “Chúng em đều rất thích khi biết rằng ở xung quanh mình còn rất nhiều điều thú vị. Và, em rất mong có dịp để trực tiếp đến những nơi đó để thấy rằng quê hương mình rất đẹp và đa dạng”.
Ông Âu Văn Nghị - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông cho biết, trên cơ sở tài liệu giáo dục địa GDĐP triển khai bằng nhiều hình thức sáng tạo để học sinh được tiếp cận các bài học một cách trực quan, sinh động hơn. Những bài học gần gũi, thực tế đã khơi dậy được sự hào hứng trong các em, từ đó sẽ bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, hình thành ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức cho học sinh.
Với khoảng cách địa lý, các nhà trường hiện nay chưa thể tổ chức những chuyến dã ngoại, thực tế đến các thắng cảnh, di tích lịch sử được đề cập trong sách để học sinh có thêm những trải nghiệm, bổ trợ cho các nội dung lý thuyết. Tuy nhiên, các trường cũng đã cố gắng xây dựng các mô hình hay lồng ghép nội dung trong các hoạt động ngoại khóa để giúp học sinh thêm hứng thú khi tiếp cận với các bài học về quê hương của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân hướng dẫn học sinh hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy |
• NỖ LỰC KỊP TIẾN ĐỘ
Ông Nguyễn Quốc Túy - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo quy định, nội dung của GDĐP gồm những vấn đề cơ bản, mang tính thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp của địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, có trách nhiệm với cộng đồng, biết trân trọng và phát huy văn hóa truyền thống quê hương và vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn ở địa phương.
Chương trình GDĐP có thời lượng là 35 tiết/năm. Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù là chương trình GDĐP nhưng trong quá trình biên soạn tài liệu vẫn phải bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Túy cho biết, sau khi hoàn thiện, chương trình GDĐP ở Lâm Đồng được hội đồng thẩm định đánh giá chất lượng cao, cùng hàm lượng kiến thức dày dặn, khơi dậy được sự hứng thú trong học sinh, phù hợp để giảng dạy cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
Nội dung GDĐP là môn học bắt buộc nằm trong chương trình các môn tổng thể và thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp trong các môn học và hoạt động trải nghiệm, gồm một số vấn đề cơ bản mang tính thời sự về lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống quê hương; lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, phong tục tập quán địa phương; địa lý, dân cư; cảnh quan thiên nhiên… Đối với cấp THCS, THPT, nội dung GDĐP được biên soạn theo từng bài học, chủ đề hoặc nhóm chủ đề ở các lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp…
Hiện nay, ngành giáo dục Lâm Đồng đã xây dựng xong tài liệu GDĐP các lớp 1, 2, 3 ở bậc tiểu học, lớp 6,7 ở bậc THCS và lớp 10 ở bậc THPT. Đơn vị đang tiếp tục phối hợp với đơn vị tổ chức biên soạn tài liệu lớp 4, 8 và 11.
“Trước đây, tiến độ đã chậm hơn so với kế hoạch đề ra dẫn đến việc trong học kỳ I chưa có sách, các trường phải chủ động xây dựng chương trình cho phù hợp. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương. Bởi lẽ để có thể thiết kế một chương trình GDĐP hoàn chỉnh, thống nhất, có sự liền mạch, khoa học ở các cấp học cần tham khảo rất nhiều tài liệu cũng như ý kiến các chuyên gia hiểu am hiểu về địa phương, có kỹ năng viết sách giáo khoa. Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện tài liệu lớp 4, 8 và 11 để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, kịp thời in ấn và phát hành vào đầu năm học tới đây”, ông Túy cho biết thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin