Trong những ngày tháng 5, khi cả nước hướng về kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác, tại Trường THPT Trần Phú - Đà Lạt đã ra mắt Mô hình Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh. Qua đó, lan tỏa việc học tập và làm theo gương Bác một cách gần gũi nhất, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, giáo dục truyền thống, hình thành nhân cách và lối sống cho học sinh.
Học sinh Trường THPT Trần Phú thể hiện các bài hát về Bác Hồ tại góc âm nhạc trong Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh |
Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng trang trọng ngay trong khuôn viên Trường THPT Trần Phú, được chia thành hai khu vực: không gian nghiên cứu các tư liệu, tài liệu về Bác Hồ và không gian nghệ thuật. Không gian nghiên cứu với phòng trưng bày sách, tài liệu về Bác Hồ được bố trí ngay tại khu vực trung tâm của trường nhằm tạo điều kiện để giáo viên và học sinh có thể đọc và tìm hiểu về Bác. Trước phòng, nhà trường đặt bảng thông tin giới thiệu về các tác phẩm văn, thơ nổi tiếng của Bác, đặc biệt là 6 tác phẩm chính luận và các bài thơ được xem là nòng cốt xây dựng tư tưởng Hồ Chí Minh để học sinh tìm đọc như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh, Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Không có gì quý hơn độc lập tự do, Tức cảnh Pác Bó, Ngắm trăng, Mới ra tù tập leo núi, Lịch sử nước ta, Tự khuyên mình... Và ngay trước cửa ra vào là mô hình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp từ những cuốn sách viết về Bác Hồ do chính tay cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường thực hiện.
Riêng không gian nghệ thuật được nhà trường bố trí ở sảnh tầng cao nhất, rộng, thoáng nhất để học sinh có thể thể hiện năng khiếu của mình sau những giờ học mà không ảnh hưởng đến các lớp khác. Không gian được xây dựng với các góc thơ văn, góc âm nhạc, góc mỹ thuật, góc sáng tác... Tại đây có những tấm pa nô giới thiệu về quê hương, gia đình và tuổi thơ của Bác; hành trình đi tìm đường cứu nước và hoạt động yêu nước của Bác; những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác... Trong không gian nghệ thuật, học sinh được thư giãn, ngồi viết bài cảm nhận sau khi đọc các tác phẩm về Bác, hay tham gia tập luyện, biểu diễn các bài hát, các tác phẩm nghệ thuật thể hiện tình cảm của mình đối với Bác Hồ.
Đang say sưa đọc cuốn “Chuyện kể về Bác Hồ”, Võ Lê Quang Dũng - lớp 11A8 cho hay: “Được phân công phụ trách góc đọc sách, em rất vui khi thấy nhiều bạn quan tâm tìm đọc những cuốn sách về Bác Hồ. Tại đây, chúng em có thể chia sẻ những câu chuyện về Bác, được tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Bác qua những trang sách, từ đó chúng em thêm kính yêu Bác”.
Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh được Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt phối hợp với Đảng bộ Trường THPT Trần Phú ra mắt vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo bà Lê Thị Hồng Phúc - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa sâu rộng và đi vào chiều sâu, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện và đưa nội dung xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố đổi mới, sáng tạo trong năm 2023. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã phối hợp cùng Đảng bộ Trường THPT Trần Phú tham mưu, xây dựng điểm Mô hình Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, qua đó nhân rộng đến các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Thành ủy. Mô hình nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục, bồi đắp nền tảng đạo đức, văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức sâu sắc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh; tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với đất nước, cách mạng Việt Nam, cách mạng vô sản thế giới; đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị.
Căn cứ vào tình hình thực tế, trong một thời gian ngắn, Đảng bộ Trường THPT Trần Phú đã nghiên cứu, có những cách làm sáng tạo để bước đầu xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại đơn vị. Cô Vũ Thị Quế - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết: “Thông qua xây dựng Mô hình Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh nhằm phát động sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên, giáo viên và học sinh toàn trường, để việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống lan tỏa trong đời sống hàng ngày. Chúng tôi tâm niệm rằng, Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là những công trình kiến trúc ngoài không gian công cộng, một góc trưng bày trong khuôn viên nhà trường hay những tác phẩm văn học - nghệ thuật, câu khẩu hiệu tuyên truyền mà còn là tổng hòa nhiều yếu tố từ lối sống, phong cách, ứng xử, sự nghĩa tình, hướng đến hình thành lối sống cao đẹp, đầy nhân nghĩa và trách nhiệm của thầy và trò mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần xây dựng đạo đức, lối sống và hình thành nhân cách cho học sinh”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin