Trong những ngày kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), hòa cùng không khí tưng bừng của người dân cả nước, bà con tại các ấp hướng Đông Bắc Đà Lạt lại có dịp cùng nhau ôn lại một thời hoạt động cách mạng, đồng lòng chống Mỹ. Nhờ khéo léo, mưu trí, gan dạ, bà con Phường 11 và Phường 12 đã giúp vận chuyển lượng lớn lương thực, vũ khí, đào hầm nuôi giấu bộ đội... góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.
Ký ức về một thời đồng lòng chống Mỹ của những người từng công tác chiến đấu ở hướng Đông Bắc Đà Lạt như vẹn nguyên |
Trong chén trà chiều, cuộc nói chuyện của các cán bộ, chiến sĩ, những gia đình cơ sở cách mạng ở các ấp hướng Đông Bắc Đà Lạt càng trở nên sôi nổi hơn khi nhắc về một thời đồng lòng chống Mỹ. Hồi ức về những năm tháng vượt qua tai mắt của địch, đào hầm nuôi giấu cán bộ, vận chuyển lương thực, thuốc men phục vụ cách mạng như lại ùa về.
Từng hoạt động tại Đội Biệt động C850, ông Nguyễn Duy Dũng - Trưởng Ban liên lạc truyền thống cách mạng hướng Đông Bắc Đà Lạt - cho biết, dưới con mắt chính quyền Mỹ ngụy, Đà Lạt có vị trí rất quan trọng; trong đó, Phường 11 và Phường 12 là cửa ngõ tiếp cận gần nhất với các mục tiêu trọng yếu của chúng gồm Trường Võ Bị Quốc gia, Trường Cảnh sát cơ bản; Trung tâm Huấn luyện cảnh sát quốc gia... Do vậy, địch không chỉ lập nhiều đồn bốt, án ngữ để kiểm soát và bảo vệ cửa ngõ ra vào thành phố mà còn tiến hành dồn dân lập thành các ấp chiến lược để dễ kiểm soát, quản lý, theo dõi và khống chế các cơ sở cách mạng.
Theo ông Dũng, thời điểm đó, địch chỉ cho người dân các ấp Sào Nam, Tây Hồ, Tự Tạo, Trại Mát... làm việc vào các giờ quy định ban ngày, không được mang lương thực, thực phẩm ra vườn để tránh tiếp tế cho bộ đội ta. Nhưng bà con đã nhanh trí cho gạo, muối vào túi nilon rồi giấu vào bao đựng phân cá; gói kỹ thuốc men rồi giấu vào bình bơm thuốc sâu... để qua mặt địch. Đơn cử như chiến dịch TK (cuối tháng 3 đến tháng 6/1970), bà con không chỉ hỗ trợ dẫn đường mà giúp vận chuyển hơn 10 tấn lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.
Trước sự dũng cảm, mưu trí và sáng tạo của quân và dân ta, địch phải tăng cường bộ máy ở các ấp, ra sức đánh phá, kìm kẹp các cơ sở của ta. “Để phá bỏ âm mưu của địch, các cơ sở cách mạng của Phường 11 và Phường 12 đã cùng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tổ chức đào hầm bí mật ngay trong nhà để che giấu, bảo vệ các cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, giúp tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ bám ấp, bám dân, bám cơ sở để xây dựng và phát triển thực lực cách mạng trong các ấp”, ông Dũng nói.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phường 11 và Phường 12 có hơn 570 người tham gia hoạt động cách mạng. Trong vòng 10 năm, từ năm 1965 đến 1975, Nhân dân hai phường trở thành điểm tựa vững chắc của các chiến sĩ cách mạng ngay trong lòng địch. Có hơn 30 gia đình cơ sở cách mạng (Phường 11, Phường 12) đã đào 50 căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội bám trụ để xây dựng phong trào cách mạng. Chỉ tính riêng 10 năm 1965-1975, Nhân dân hai phường đã vận chuyển gần 3.000 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm không chỉ phục vụ cho lực lượng cách mạng ở hướng Đông Bắc Đà Lạt, mà còn cho 2 tiểu đoàn chủ lực 200C của Quân khu 6 và 810 của tỉnh Tuyên Đức. |
Nhắc về câu chuyện đào hầm nuôi giấu cán bộ, bà Lê Thị Sanh (ấp Tự Tạo) dù đã hơn 95 tuổi nhưng vẫn tự hào, xúc động kể việc mình cùng với tiểu đội nữ du kích ấp Tự Tạo và bộ đội đào ba căn hầm bí mật cho cán bộ, chiến sĩ biệt động C850 trú ẩn từ năm 1969 đến 1975. Bà vẫn nhớ như in những lần bình tĩnh đối đáp địch khi chúng rà soát, tra khảo. “Nếu bị lộ, không chỉ cán bộ bị bắt mà cả nhà đều bị giết”, bà Sanh nói. Nghĩ lại phút đối mặt sinh tử đó, bà nghĩ có lẽ niềm tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta, niềm tin vào chiến thắng sau cùng của quân và dân ta đã giúp bà bình tĩnh đến thế.
Tiếp lời bà Sanh, bà Lê Thị Hẹ (sinh năm 1949) cũng hào hứng kể về truyền thống cách mạng của gia đình. Dù nhà gần đồn cảnh sát địch, nhưng gia đình bà vẫn đào hai hầm bí mật trong kho chứa cỏ và sau taluy cho quân ta trú ẩn. Địch nghi ngờ, bà bị chúng bắt giữ, tra tấn dã man nhiều lần nhưng vẫn không hé nửa lời. Không những thế, bà còn tham gia đội du kích mật, tìm cách xây dựng các cơ sở nội tuyến địch.
Không chỉ có bà Hẹ, bà Sanh, nhiều mẹ, nhiều chị, các gia đình ở Phường 11, Phường 12 đã bất chấp nguy hiểm, tính mạng, để đào hầm nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ. Điển hình như bà Nguyễn Thị Đính, ông Ngô Bá Lầu, hai chị em bà Bổng và bà Lài... Gia đình nào không đào được hầm thì thiết kế vách đôi, tủ đôi, đóng la phông hộp... nhằm giúp chiến sĩ thoát nạn. Nhiều gia đình bị địch nghi ngờ nhưng đã dũng cảm, bình tĩnh đấu tranh trực diện với kẻ thù, chấp nhận tra khảo và tù đày để bảo vệ cán bộ đang nằm dưới hầm bí mật. “Lùng sục, khám xét, tra khảo không được, chúng bắt nhiều mẹ đi trong tiếng gào khóc của đám con nheo nhóc”, ông Dũng xúc động kể.
Chiến tranh đi qua, đất nước hòa bình thống nhất, nhưng với những người dân Phường 11, Phường 12 đã từng công tác và chiến đấu ở hướng Đông Bắc Đà Lạt thì ký ức về một thời gian khổ, mưu trí đấu tranh anh dũng ấy cũng như những hi sinh xương máu của anh em, đồng đội chưa bao giờ nhạt phai. Cùng nhau đi trên những con đường binh lửa ngày trước, qua những căn nhà từng có hầm bí mật, đến những ngọn đồi, mảnh vườn từng một thời giao tranh ác liệt, họ - những người từng sống và chiến đấu, lại càng trân quý hơn giá trị của độc lập, tự do.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin