Phát huy vai trò giám sát của đại biểu HĐND trong lĩnh vực ngân sách nhà nước

NGUYỆT THU 00:16, 19/05/2023

Theo Hiến pháp năm 2013, Hội đồng Nhân dân (HĐND) có 2 chức năng quan trọng là quyết định và giám sát; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định và giám sát theo hiến pháp và pháp luật ở địa phương, thực hiện nghị quyết của HĐND.

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Lâm Vũ đặt câu hỏi chất vấn gây ấn tượng bởi tập trung vào vấn đề cử tri và dư luận quan tâm
Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Lâm Vũ đặt câu hỏi chất vấn gây ấn tượng bởi tập trung vào vấn đề cử tri và dư luận quan tâm

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định: HĐND quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án của địa phương theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình về ngân sách nhà nước thông qua việc ban hành các nghị quyết về ngân sách địa phương và thực hiện giám sát ngân sách địa phương theo thẩm quyền. Tức là HĐND có 2 chức năng quan trọng là quyết định và giám sát.

Luật ngân sách nhà nước 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp về ngân sách nhà nước. Đó là căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao và tình hình thực tế địa phương, quyết định dự toán thu chi ngân sách. Quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp mình. Phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Quyết định các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương. Quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết. Giám sát việc thực hiện ngân sách đã được HĐND quyết định...

Hoạt động giám sát của HĐND trong lĩnh vực ngân sách nhà nước là hoạt động giám sát mang tính chuyên ngành, được tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Thông thường, các hình thức giám sát gồm: Nghe và đánh giá báo cáo dự toán, phương án phân bổ, đánh giá thực hiện, quyết toán ngân sách; chất vấn và yêu cầu giải trình tại kỳ họp HĐND, các ban của HĐND, tổ chức đoàn giám sát chung, giám sát chuyên đề, giám sát đột xuất, cử thành viên đoàn giám sát đi xác minh các vấn đề tài chính - ngân sách; xem xét xử lý các kiến nghị của cử tri.

Để phát huy vai trò giám sát của đại biểu HĐND trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, các đại biểu HĐND cần thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngân sách nhà nước. Để thẩm tra, giám sát ngân sách nhà nước có hiệu quả thì cần thu thập đầy đủ tài liệu và sử dụng kết hợp các phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp giữa các nội dung, con số trong các tài liệu với nhau, với kết quả kiểm toán, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra tài chính, thuế của các cơ quan có thẩm quyền và ý kiến cử tri, xác định những vấn đề quan trọng, cốt lõi cần tập trung nghiên cứu.

Theo ông Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khóa XIV: Để phát hiện vấn đề, trong quá trình nghiên cứu tài liệu cần luôn đặt ra các câu hỏi và đối chiếu giữa thực tế với báo cáo. Cần đặt câu hỏi để phát hiện vấn đề như nguyên nhân dẫn đến thực trạng không được như mong muốn là gì; tính phù hợp, khả thi của các nội dung số liệu trong các tài liệu, báo cáo; các yếu tố, vấn đề đối tượng chịu sự giám sát chưa nêu hoặc không muốn nêu trong tài liệu, báo cáo. Cần đối chiếu thực tế để phát hiện vấn đề, liên hệ với thực tế tình hình trong nước, cơ quan, đơn vị, địa phương với vấn đề, nội dung cần giám sát để thấy được sự phù hợp, khả thi hay mâu thuẫn giữa thực tế và tài liệu, báo cáo của đối tượng giám sát cung cấp.

Liên quan đến kỹ năng thu thập thông tin, lấy ý kiến chuyên gia, đại biểu HĐND không phải ai cũng am hiểu sâu về lĩnh vực tài chính, ngân sách nên khi giám sát về ngân sách địa phương phải rất chú trọng ý kiến của những chuyên gia trong lĩnh vực này. Có nhiều kênh thu thập thông tin về chuyên đề giám sát, điển hình như qua phương tiện thông tin đại chúng, qua tiếp xúc cử tri, qua các cơ quan chuyên môn, qua các mối quan hệ do cá nhân tự xây dựng, tranh thủ ý kiến của những người công tác lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân sách ở các địa phương, các ngành, đơn vị khác nhau.

Liên quan đến phát huy vai trò đại biểu HĐND, các chuyên gia cũng lưu ý về kỹ năng tranh luận là hết sức cần thiết trong quá trình giám sát nhưng việc tranh luận cần dựa trên cơ sở chứng cứ và đảm bảo tính logic. Việc tranh luận cũng cần lưu ý đảm bảo thống nhất quan điểm và xác định trách nhiệm của đối tượng giám sát trong những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.

Liên quan đến kỹ năng chất vấn nhằm phát huy vai trò đại biểu, các chuyên gia cho rằng, để chất vấn có hiệu quả cần chuẩn bị kỹ các câu hỏi ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm. Trong quá trình chất vấn cần thể hiện thái độ tôn trọng, thân thiện với các đối tượng trả lời chất vấn. Nên chất vấn làm sao để hướng đến mong muốn có sự giải trình cụ thể.

Về kỹ năng kiến nghị, để phát huy vai trò đại biểu dân cử, việc giám sát cần hướng tới các kiến nghị hữu ích để nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Để kiến nghị có tính hợp lý và khả thi được tiếp thu cần phải thuyết phục có đầy đủ căn cứ để kiến nghị được đưa vào nghị quyết, nên tập trung kiến nghị để có các chính sách và giải pháp giải quyết cụ thể tạo sức thuyết phục và uy tín với cử tri và Nhân dân.

Đại biểu HĐND cũng cần lưu ý đến kỹ năng làm việc với báo chí, việc tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí là cần thiết trong hoạt động của đại biểu HĐND, qua đó giúp chuyển tải quan điểm của đại biểu về các nội dung thẩm tra, giám sát đến cử tri và tìm kiếm sự ủng hộ của các đại biểu khác, của dư luận xã hội nên đại biểu cần chuẩn bị kỹ lưỡng thông điệp cần thông tin cho báo chí; chuẩn bị thông tin đầy đủ, đa dạng và cung cấp thông tin trung thực, đúng mực cho báo chí cũng sẽ góp phần nâng cao vai trò và uy tín của đại biểu HĐND các cấp.