(LĐ online) - Sáng 10/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S có buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện Đơn Dương và cán bộ, lãnh đạo của Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương |
Tại buổi làm việc, BSCKII Đỗ Phú Nhựt - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương đã báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của đơn vị năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Theo đó, Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương có Bệnh viện hạng III với quy mô 150 giường bệnh, 2 Phòng khám Đa khoa khu vực và 10 Trạm Y tế. Năm 2022, có 6 bác sĩ /10.000 dân và 4 tháng đầu năm 2023 có 6,23 bác sỹ/10.000 dân (toàn tỉnh 8,23 bác sĩ/10.000 dân); có tỉ lệ 13,54 giường bệnh/10.000 dân (toàn tỉnh 20,5 giường bệnh/10.000 dân).
Trong thời gian qua, ngành y tế Đơn Dương đã chủ động triển khai các hoạt động của chương trình y tế dự phòng, dân số và phát triển, quản lý kiểm soát dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lưu hành tại địa phương. Chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số dịch bệnh đang lưu hành tại địa phương.
Tình hình phòng chống Covid-19 trong năm 2022 ghi nhận có 12.535 bệnh nhân và 5 tháng đầu năm 2023 có 57 ca, hiện đang điều trị 22 ca. Tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trên dân số tiêm 1 mũi đạt 92,58%, tiêm 2 mũi đạt 89,06%, tiêm liều bổ sung đạt 92,2%, mũi 3 đạt 103,04%, mũi 4 đạt 98,3%.
Trung tâm Y tế Đơn Dương đã đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc thiết yếu cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; với danh mục kỹ thuật được phê duyệt 2.914 kỹ thuật (trong đó, đúng tuyến 2.406 kỹ thuật, vượt tuyến 508 kỹ thuật). Chú trọng triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ bệnh nhân; trong đó, hệ thống chẩn đoán hình ảnh CT-Scaner, X-Quang, siêu âm, xét nghiệm hoạt động có hiệu quả và chất lượng.
Lãnh đạo tỉnh thăm Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương |
Hiện, đơn vị đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số y tế trong các lĩnh vực: Quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân; khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân; ký điện tử trên đơn thuốc; liên thông đơn thuốc điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt…
Một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như: Về công tác nhân sự chưa thực hiện tuyển dụng đủ biên chế được giao vì đã đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không có người tham gia (còn thiếu 40 biên chế). Về chế độ chính sách: Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, ngày 15/02/20123 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, ngày 04/7/2011 thì chỉ có đối tượng là viên chức thường xuyên, trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế mới được hưởng; còn nhiều đối tượng khác mặc dù đã và đang tham gia trực tiếp công tác chuyên môn y tế nhưng không thuộc đối tượng được hưởng nên còn tâm tư bất an, so sánh, muốn chuyển đổi vị trí làm việc… Về công tác bổ nhiệm, thực hiện công tác quy hoạch nguồn cán bộ theo hướng dẫn của cấp trên nhưng để bổ nhiệm lại cán bộ hiện nay đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn do vướng một số quy định.
Từ thực tế này, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương kiến nghị UBND tỉnh có chế độ đặc thù phụ cấp ưu đãi nghề bổ sung thêm các đối tượng chưa được quy định trong Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, ngày 15/02/20123 của Chính phủ hoặc đề xuất Chính phủ bổ sung Nghị định số 05. Quan tâm đầu tư kinh phí sớm xây dựng các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Trung tâm Y tế huyện; cải tạo, sửa chữa nâng cấp Trạm Y tế xã Ka Đô và Phòng khám Đa khoa khu vực D’Ran; mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Phòng khám Đa khoa khu vực D’Ran, Ka Đơn và Trạm Y tế các xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, Đạ Ròn, Ka Đô, P’Ró, Tu Tra, Thạnh Mỹ. Cần xem xét tháo gỡ một số tiêu chí quy định về bổ nhiệm cán bộ đối với đặc thù ngành y tế, nhất là bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo từ cấp phòng trở xuống trong giai đoạn hiện nay.
Ông Đào Thành Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng đã trả lời một số kiến nghị của Trung tâm Y tế Đơn Dương về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề; đầu tư công, mua sắm trang thiết bị y tế, đào tạo thu hút nguồn nhân lực (bác sĩ), nhất là đào tạo sau đại học trong toàn ngành. Đồng thời, lãnh đạo Sở Y tế cũng nêu lên một số vướng mắc của toàn ngành trong chuyển đổi số y tế như: Hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu kết luận, ghi nhận: Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương đã xây dựng không gian cảnh quan xanh sạch đẹp; chú trọng công tác đào tạo nhân lực, quý nhất là tại đơn vị y tế tuyến huyện đang có 8 dược sỹ đại học; quan tâm đầu tư các trạm y tế cơ sở. Trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương đã tiếp nhận chăm sóc, điều trị số lượng bệnh nhân rất lớn; tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, ngành y tế huyện còn tồn tại, hạn chế về tỷ lệ bác sỹ/dân số và số giường bệnh/dân số thấp, cũng như thực hiện đào tạo nguồn nhân lực và biên chế còn thấp.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Trung tâm Y tế Đơn Dương tiếp tục phát huy, động viên tinh thần anh em trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống dịch bệnh; tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn lực và thu hút lực lượng bác sĩ để nâng chỉ số bác sĩ và tăng chỉ số giường bệnh trên dân số.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Y tế tổng hợp một số bất cập trong thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề để trình UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét giải quyết. Đồng thời, Sở Y tế tổng hợp tháo gỡ vướng mắc về công tác cán bộ, quản lý. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế và đầu tư về con người thông thạo chuyên môn về công nghệ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin