“Trâu lớn thì tìm tắm ao riêng. Trai lớn phải biết đi tìm vợ”, ấy là cách ví von của người K’Ho (Tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) ngầm ý nói về sự chủ động của người nam trong tình yêu, tìm kiếm người con gái mình thích. Nhưng muốn tiến tới hôn nhân, trở thành chồng thành vợ, quyền chủ động lại thuộc về người nữ.
Tái hiện lễ cưới của người K’Ho |
Thường thì vụ mùa sau chưa tới, tiếng sấm đầu mùa mưa chưa giục là thời điểm cộng đồng người K’Ho mở hội, nhằm tạ ơn Yàng. Hội lễ còn là nơi để mọi người gặp nhau, chia sẻ những buồn vui, cùng những kinh nghiệm trong cuộc sống. Đó cũng là dịp để các chàng trai tìm kiếm những cô gái của đời mình. Từ những đêm hội ấy, chàng trai K’Chung và cô gái Ka Phương Lan đã gặp gỡ và đem lòng cảm mến nhau. Qua một thời gian tìm hiểu, Ka Phương Lan cảm thấy giữa mình và K’Chung thật sự tâm đầu ý hợp, nên đã giữ một đồ vật của K’Chung để làm tín vật, rồi về nhà thưa chuyện cùng bố mẹ, nhờ người mai mối đi hỏi cưới K’Chung. Theo thông lệ của người K’Ho, ông cậu của Ka Phương Lan sẽ là người dẫn đường (mai mối) cho đôi trẻ thành vợ thành chồng. Ngày tốt đã được ấn định, chờ cho mặt trời tắt hẳn ánh sáng, ông K’Bes (cậu của Ka Phương Lan) sẽ đem theo 1 cái còng và tín vật của K’Chung, cùng các thành viên trong gia đình nhà gái qua nhà chàng trai. Bấy giờ, mọi thành viên trong nhà K’Chung đều có mặt. Ông cậu K’Bes đặt vấn đề xin K’Chung về ở rể nhà Ka Phương Lan. Sau khi nghe ông cậu K’Bes trình bày, ông cậu phía K’Chung lấy ra 1 sợi cườm và đeo vào cổ K’Chung. Mặc dù cha mẹ của K’Chung đã thuận mắt với cô gái Ka Phương Lan nhưng vẫn giả bộ từ chối: “Con tôi còn nhỏ, chưa biết làm ăn, vẫn đang ăn bám bố mẹ đấy! Chưa có kinh nghiệm trong gia đình đâu. Anh chị thông cảm!”.
Cách một vài ngày, ông cậu K’Bes và các thành viên trong gia đình Ka Phương Lan lại qua nhà K’Chung xin rể. Phía nhà gái thuyết phục: “Con anh chị hôm nay còn trẻ, chưa có kinh nghiệm. Ngày mai, nó sẽ lớn. Người ta có sức đi làm được 10 ngày, con anh chị cũng sẽ làm được 7 - 8 ngày đó thôi!”, và hứa sẽ yêu thương, giúp đỡ K’Chung. Sau đó, nhà trai đã chấp thuận cho K’Chung về nhà Ka Phương Lan ở rể. Tuy nhiên, muốn đem K’Chung về nhà Ka Phương Lan ở rể, nhà gái sẽ phải có những lễ vật đáp ứng yêu cầu của nhà trai. Nhà gái ra về và hẹn ngày quay lại để nhà trai thách cưới. Y hẹn, ông cậu K’Bes và các thành viên trong gia đình Ka Phương Lan tiếp tục qua nhà K’Chung. Ông cậu K’Bes đưa cho ông cậu phía K’Chung 1 bó lạt, gồm nhiều sợi có độ ngắn dài khác nhau. Sợi dài nhất, lễ vật cưới sẽ ứng với 1 con trâu, sợi ngắn hơn sẽ là 1 con heo, sợi ngắn nữa sẽ là 1 tấm vải thổ cẩm, sợi cườm... Ngoài ra, nhà gái còn phải chuẩn bị quà cưới cho tất cả các thành viên trong nhà trai. Ông cậu phía nhà trai là người nhận quà cưới nhiều nhất từ phía nhà gái.
Thống nhất lễ vật cưới xong, ông cậu K’Bes lại qua nhà K’Chung để chốt các lễ vật với gia đình nhà trai lần cuối. Từ đây, K’Chung được phép đến ở trong nhà của Ka Phương Lan. Trước ngày tổ chức lễ cưới, K’Chung quay trở về nhà bố mẹ đẻ, chuẩn bị cho nhà gái đến xin rể. Ngày cưới diễn ra tại nhà gái. Nhà trai sẽ đến nhà gái để dự lễ cưới. Trước khi vào nhà, mọi người trong gia đình nhà trai phải lần lượt đụng chân vào con heo đang buộc ở chân cầu thang, ý nói hôm nay Yàng và mọi người đã chứng kiến đám cưới của Ka Phương Lan và K’Chung. Tiếp đến, nhà gái sẽ lần lượt rửa chân và tay cho từng người trong gia đình nhà trai, rồi mời vào nhà. Ông cậu phía K’Chung bảo: “Hôm nay, chúng tôi qua nhà gái để nhận những lễ vật như đã yêu cầu, gồm 1 con trâu mẹ, 1 con trâu con, 1 con heo và một số đồ vật khác. Ông cậu của Ka Phương Lan, K’Bes nói: “Lễ vật nhà gái đã chuẩn bị đầy đủ. Xin nhà trai hãy nhận 1 con trâu mẹ, 1 con heo và các đồ vật khác. Chỉ xin nhà trai để lại 1 con trâu con cho Ka Phương Lan và K’Chung làm vốn”. Nhà trai đồng ý để lại 1 con trâu con cho đôi vợ chồng trẻ và nhận những lễ vật của nhà gái như đã thống nhất từ trước. Thế rồi, lễ cưới chính thức bắt đầu. K’Chung và Ka Phương Lan đã nên chồng nên vợ. Mọi người cùng ăn uống, chuyện trò, múa hát, tấu chiêng mừng cho đôi vợ chồng trẻ.
Theo ông Trương Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, việc UBND huyện Lâm Hà phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tiến hành tái hiện nghi lễ cưới của người K’Ho là để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hóa, gìn giữ các phong tục quý báu của người K’Ho, đồng thời, quảng bá vẻ đẹp truyền thống, nét đặc sắc của cư dân bản địa nhằm hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. “Qua lễ cưới này, chúng tôi mong các nghệ nhân hãy truyền lại cho các bạn trẻ, các thế hệ sau những giá trị văn hóa tốt đẹp mà ông cha đã tạo dựng, gìn giữ qua bao đời nay”, ông Trương Quốc Khánh kỳ vọng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin