TRIỂN KHAI DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN:
Tiện lợi nhưng khó khăn đối với một số đối tượng

NGUYỄN NGHĨA 00:26, 09/05/2023

Việc cải cách hành chính chỉ thực sự được người dân đánh giá cao, và đón nhận bởi sự tiện ích, hiệu quả khi chính quyền giải quyết được hài hòa các giải pháp hành chính cho mọi đối tượng trong xã hội. 

Người dân chờ làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính tỉnh
Người dân chờ làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính tỉnh

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã - phường đang được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả của việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc một số nơi bắt buộc người dân nộp thủ tục hồ sơ, giấy tờ công chứng qua dịch vụ công trực tuyến với một số đối tượng, nhất là đối với những người cao tuổi, những người có trình độ học vấn thấp đang gây ra không ít ý kiến trái chiều, vì tạo ra những bất cập và gây khó cho những người này khi có việc phải đi chứng thủ tục, làm hồ sơ.

Trước hết, phải khẳng định rằng, việc thúc đẩy hiện đại hóa nền hành chính với số lượng dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng được coi là một bước tiến vượt bậc và đáng khen trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay ở TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp phường, xã hứa hẹn sẽ đem đến lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cả chính quyền nhà nước. Đây được coi là khâu then chốt trong tiến trình cải cách hành chính với đích hướng đến là giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại; tránh được tình trạng cán bộ công chức quan liêu, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ và giúp tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc đặt ra những chỉ tiêu thi đua để tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thời gian gần đây trên địa bàn TP Đà Lạt lại đang gây ra rất nhiều phiền hà và gây khó cho một nhóm đối tượng có trình độ học vấn thấp, những đối tượng còn khó khăn về kinh tế, và đặc biệt là cho những người già, những người không có trang thiết bị hiện đại, thiếu kiến thức về tin học, không sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, hay kết nối internet hạn chế…

Một cán bộ hưu trí ở Phường 3, TP Đà Lạt chia sẻ rằng: Việc bắt buộc tất cả người dân phải đăng ký, chụp lại những giấy tờ mình đã khai qua giấy cấp tại phường; rồi lại phải dùng điện thoại đăng nhập vào cổng dịch vụ công trực tuyến và làm rất nhiều các thao tác khác để nộp hồ sơ vô cùng phức tạp. Những người lớn tuổi như chúng tôi không thể làm được. Thế nên, mới có tình trạng là dù đã khai báo qua giấy tờ trước cán bộ phường nhưng chúng tôi lại bị yêu cầu phải lên internet để gửi lòng vòng rất mất thời gian. Mặc dù được cán bộ phường hướng dẫn nhiệt tình, chụp hình tờ giấy vừa khai lưu lại giúp nhưng tôi thấy sao nó cứ rắc rối lòng vòng như thế nào ấy. Thay vì bình thường trước đây chúng tôi ra phường ngồi viết vào bản khai một chút rồi chờ cán bộ đi trình giấy ký và nhận giấy chứng nhận về thì nay lại ngồi mất cả buổi để làm thêm việc khai báo trên internet, với người già chúng tôi điều đó rất căng thẳng. Đó là chưa kể mạng thì chập chờn, dịch vụ trên mạng cũng chưa tốt, vẫn lúc đúng lúc sai, phải gửi đi gửi lại, mãi đến trưa mới nộp được. Thiết nghĩ, việc áp dụng các thủ tục trực tuyến trong giai đoạn đang chuyển giao như hiện nay không nên bắt buộc thực hiện với tất cả các đối tượng. Cũng chưa nên đặt ra chỉ tiêu thi đua với tỷ lệ cao khiến cho các phường, xã buộc phải chạy theo thành tích buộc người dân phải nộp trực tuyến toàn bộ. Như vậy chẳng phải thay vì cải cách hành chính lại đang đi làm khó chúng tôi, nhất là với những người già vốn mắt cũng đã mờ, tay run, và không hiểu biết nhiều về công nghệ, chụp ảnh lưu trữ trên điện thoại…

Còn chị N.T.V.H - làm nghề tự do, 62 tuổi chia sẻ: Tôi ra phường làm giấy chứng nhận độc thân mà không có điện thoại thông minh. Khai giấy xong, tôi lại phải nhờ cán bộ ngồi khai báo đủ thứ thủ tục từ máy điện thoại của cán bộ phường, rồi nhờ cô cán bộ chụp lại hình ảnh để có thể gửi được tờ giấy khai chứng nhận độc thân lên hệ thống trình cho chủ tịch phường ký. Tôi thấy cán bộ phường nói rằng, giờ mọi thủ tục đều phải gửi trực tuyến hết. Tôi thấy việc này ngoài khả năng của mình. Đành rằng có cán bộ tạo tài khoản giúp, nhưng không lẽ mỗi lần lên phường làm gì tôi lại phải nhờ cán bộ vào tài khoản của mình rồi làm thủ tục giúp. Tôi kiến nghị rằng, Nhà nước nên khuyến khích người có trình độ học vấn, có điều kiện, và sự hiểu biết về công nghệ sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên internet, còn với những người như chúng tôi thì nên tiếp tục tạo điều kiện được làm theo cách truyền thống, sẽ tốt hơn cho chúng tôi vì như thế bản thân chúng tôi mới có thể giám sát được quá trình thực hiện thủ tục của mình tại phường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều ý kiến, phần lớn là của người lớn tuổi và những đối tượng có trình độ học vấn thấp, thu nhập thấp trong xã hội bày tỏ mong muốn chính quyền nên có cách nhìn thấu hiểu hơn với những đối tượng này trong việc áp dụng các dịch vụ công trực tuyến tại các cấp và nên có một lộ trình triển khai từng bước, hợp tình, hợp lý. Ngay cả một số cán bộ phường trực tiếp làm công tác này cũng chia sẻ rằng, có nhiều đối tượng trình độ học vấn thấp, lớn tuổi đến làm thủ tục qua Cổng dịch vụ công trực tuyến thì rất khó cho họ. Ngay cả nhiều người là cán bộ công chức mà việc nhập hồ sơ lên dịch vụ công trực tuyến cũng còn chưa thể tìm được bộ thủ tục mình cần nộp nằm ở đâu thì làm sao những đối tượng này họ làm được.

Theo thông tin từ UBND TP Đà Lạt, thành phố đang tiếp nhận và giải quyết tổng cộng khoảng 230 TTHC một phần và toàn trình trên hệ thống một cửa điện tử, trong đó có 176 TTHC mức độ 3 và 54 TTHC mức độ 4. Trong năm 2022, thành phố có tổng cộng khoảng 9.628 hồ sơ trực tuyến một phần và toàn trình ở mức độ 3 và mức độ 4; trong đó cấp thành phố có 3.767 hồ sơ; cấp phường, xã có 5.861 hồ sơ.