(LĐ online) - Sáng 15/5, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại tỉnh Lâm Đồng.
Quang cảnh hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định, hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang chịu những áp lực rất lớn về môi trường, trong đó có nguyên nhân đến từ các hoạt động nông nghiệp. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn đang xảy ra do nhiều nguyên nhân. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chính trị thường xuyên được Hội Nông dân tỉnh thực hiện. Và việc triển khai dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” sẽ tạo điều kiện quan trọng góp phần tạo sự chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên nông dân trong việc bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Lâm Đồng là 1 trong 15 tỉnh, thành phố trong cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn tham gia dự án. Mục đích của dự án là nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân.
Dự án được triển khai thực tiễn tại cơ sở |
Các hoạt động của dự án gồm: Thúc đẩy các tổ, nhóm nông dân tham gia dự án; hội thảo khởi động và kết nối cấp tỉnh; tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ; tham quan, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức sự kiện truyền thông, tuyên truyền; hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý rác thải hữu cơ.
Dự án sẽ được thực hiện điểm tại các địa phương gồm: Phường 8, 9, 12 (TP Đà Lạt); xã Liên Hiệp, Hiệp Thạnh, thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), xã Đạ Kho, Triệu Hải, thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh). Dự án đặt mục tiêu xây dựng thành công các mô hình về xử lý rác thải hữu cơ điển hình, làm điểm sáng để nhân rộng.
Tổng kinh phí thực hiện dự án là 2,9 tỷ đồng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được thông tin giới thiệu tổng quan về dự án; chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các phương pháp khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp gắn với xử lý rác thải, chất thải như: kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng; nuôi gà trên nệm lót sinh học; nuôi sâu canxi, giun quế để xử lý phân gia súc...
Đại diện các ngành và Hội Nông dân các huyện, xã tham dự tại hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến sát với thực tiễn tại các cơ sở. Đây là cơ sở quan trọng để Hội Nông dân tỉnh có giải pháp triển khai các nội dung của dự án hiệu quả trong thực tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin