(LĐ online) - Sáng 27/5, tại Trường Đại học Đà Lạt, chương trình tọa đàm thơ thiền Việt Nam được tổ chức.
Nhà thơ Nguyễn Duy giới thiệu tập Thơ Thiền Lê - Nguyễn bản in bằng giấy dó khổ lớn |
Đông đảo bạn đọc tham dự: Nhà thơ Nguyễn Duy, lãnh đạo các cơ quan như Trường Đại học Đà Lạt, Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng; đại diện các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng; các học giả, nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học, đại đức cùng sinh viên…
Buổi tọa đàm bắt đầu bằng việc nhà thơ Nguyễn Duy (Giải thưởng Nhà nước) giới thiệu tập Thơ Thiền Lê - Nguyễn. Đây là tập thơ đặc biệt có một không hai với 30 tác phẩm của 30 tác giả Việt Nam trong hai triều đại hậu Lê và Nguyễn như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Ngô Thời Nhiệm, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du...
Toàn cảnh đại biểu và công chúng tại buổi tọa đàm |
Công trình công phu, tỉ mẫn, in trên giấy dó và độc bản, do nhà thơ Nguyễn Duy và nhóm cộng sự gồm Nguyễn Bá Chung (chủ biên - dịch giả), Sam Hamill (dịch bản dịch thơ Việt sang Anh ngữ), Nguyễn Duy Sơn (hình ảnh), Võ Anh Thơ (thiết kế mỹ thuật) được hoàn thành trong 12 năm.
Sau khi xuất bản, tập thơ đã được triển lãm và giới thiệu nhiều nơi ở Việt Nam như Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc Tử Giám Hà Nội… và một số nước châu Mỹ, châu Âu. Trước đó, nhà thơ Nguyễn Duy chủ biên đã cùng công sự xuất bản Tuyển tập Thơ Thiền Lý - Trần khổ vừa đã được đông đảo công chúng nhiệt tình đón nhận.
Tuyển Tập Thơ Thiền Lý - Trần do nhà thơ Nguyễn Duy chủ biên xuất bản trước đó |
Nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ, thơ thiền của các cụ đời Lê - Nguyễn không chỉ là thơ, mà chứa đựng trong công việc này là các vấn đề văn bản học, khả năng thẩm thấu thiền lý, cảm nhận tình cảm của người xưa, và còn có cả những khuất lấp của lịch sử.
“Thơ nói đến sự tĩnh tâm, thảnh thơi, thanh thản của con người, sống ôn hòa với cuộc đời, với thiên nhiên... tính thiền là như vậy”, nhà thơ nói.
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Giám đốc Nxb Hội Nhà văn, hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) từng phát biểu trong lần ra cuốn Thơ thiền Lê - Nguyễn: “Văn hóa Việt Nam luôn đứng trước mối đe dọa bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại bang. Việc bảo tồn phát triển văn hóa, thi ca dân tộc; trong đó, có thơ thiền Việt Nam là rất ý nghĩa. Chúng tôi luôn ủng hộ và đánh giá cao việc làm tâm huyết của nhà thơ Nguyễn Duy”.
Thơ thiền là một mảng nội dung đặc biệt quý giá của văn học Việt Nam. Trong buổi tọa đàm tại Trường Đại học Đà Lạt, công chúng bạn đọc còn được nghe ThS Trần Hậu Thành - Nguyên giảng viên Trường Đại học Đà Lạt trình bày tham luận Giá trị văn chương trong thơ thiền Việt Nam thời Lý - Trần; Hòa thượng Thích Viên Như - Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng với tham luận Sự va chạm giữa hai nền văn hóa qua thơ chữ Hán và những hệ lụy của nó; TS. Phạm Văn Hóa - Trường Đại học Đà Lạt với tham luận Nghĩ thêm về thơ thiền đời Lý và văn hóa Phật giáo Việt Nam…
Cùng với đó, các đại biểu và công chúng được tham quan triển lãm những bức tranh đặc sắc kết hợp với các bài thơ thiền song ngữ Việt - Hán, những trang sách tập thơ chiếu qua màn hình và xen kẻ là những tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương đất nước Việt do sinh viên Trường Đại học Đà Lạt biểu diễn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin