Ðà Lạt: Ứng viên thành phố sáng tạo lĩnh vực âm nhạc của UNESCO dưới góc nhìn các chuyên gia

TRỊNH CHU 06:24, 22/06/2023

Đà Lạt phải coi ngành công nghiệp âm nhạc đóng vai trò hàng đầu, bên cạnh tạo ra những không gian đủ chuẩn, đáp ứng những loại hình âm nhạc đỉnh cao.

Các nghệ sĩ biểu diễn với tinh thần cống hiến. Ảnh: Quỳnh Uyển
Các nghệ sĩ biểu diễn với tinh thần cống hiến. Ảnh: Quỳnh Uyển

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, khẳng định Đà Lạt sở hữu nhiều tiềm năng và thế mạnh để trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO. Nơi đây không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng mà còn là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước. Đà Lạt cũng là nơi tập trung sinh sống của hơn 20 dân tộc, mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng. Đà Lạt được đánh giá là một địa điểm thuận lợi cho hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, một trung tâm đang phát triển về mặt văn hóa và sáng tạo đương đại. “Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu cột mốc 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được kỳ vọng sẽ có những đóng góp lớn cho việc quảng bá hình ảnh miền đất và con người Đà Lạt, đưa thương hiệu thành phố đến với toàn cầu, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đẩy mạnh công nghiệp văn hóa về âm nhạc của địa phương”, ông Đặng Quang Tú chia sẻ. 

TS Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thừa nhận: “Âm nhạc đã kết hợp một cách hài hòa với vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu, di sản kiến trúc và cả lối sống ôn hòa của người Đà Lạt. Việc Đà Lạt đăng ký gia nhập UCCN trong lĩnh vực âm nhạc là phù hợp và cần thiết”.

 

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, thành phố sáng tạo UNESCO không đơn thuần là một thương hiệu. Đó là một tư duy, một chiến lược phát triển. Trọng tâm và ưu tiên được đặt vào việc khai thác, phát huy thế mạnh văn hóa, năng lực sáng tạo của cộng đồng cư dân bản địa. Do đó, Đà Lạt cần đặt thành phố sáng tạo vào khung chương trình phát triển tổng thể của thành phố để tạo sức mạnh tổng hợp. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhìn nhận, mặc dù sở hữu di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc, cùng kho tàng đồ sộ ca khúc viết về thành phố, nhưng Đà Lạt cần phải phát triển thêm nhiều thể loại âm nhạc đỉnh cao. Trong đó, phải coi nhạc giao hưởng là thành tố chủ lực. Muốn vậy, Đà Lạt phải tạo ra những không gian đủ chuẩn, đáp ứng những loại hình âm nhạc đỉnh cao. Tất nhiên, đi kèm với đó, Đà Lạt phải có trường đào tạo chuyên sâu nghệ thuật âm nhạc. Nhạc sĩ Quốc Trung nói thêm: “Đà Lạt phải coi ngành công nghiệp âm nhạc đóng vai trò quan trọng hàng đầu và cần phải có những sản phẩm âm nhạc đủ độ sáng tạo, độc đáo để thu hút khán giả cả nước”. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, các sản phẩm âm nhạc có khả năng cạnh tranh cũng cần tính đến bằng việc tạo ra các giá trị mới trong quan niệm thẩm mỹ. 

Theo bà In Kyoung Kim - Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế về Văn hóa - Chính sách Văn hóa và Nghệ thuật (TP Daegu, Hàn Quốc), để trở thành thành phố sáng tạo lĩnh vực âm nhạc của UNESCO, Đà Lạt nên kết hợp với các chương trình, dự án khác nữa nhằm tạo thêm nhiều sự gắn kết trong xã hội, nhất là phải tạo cơ hội cho giới trẻ tiếp cận với âm nhạc. “Âm nhạc phải tạo ra sự gắn kết, xóa bỏ khoảng cách về thụ hưởng văn hóa, tạo ra những giấc mơ trong tương lai”, bà In Kyoung Kim kết luận.