(LĐ online) - Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tại Hội thảo “Đánh giá, phân tích và đề xuất các giải pháp nâng cao kết quả các chỉ số PAR- Index, SIPAS, PCI tỉnh Lâm Đồng năm 2023”, được tổ chức sáng 20/6, tại Trung tâm hành chính tỉnh cùng 11 điểm cầu trực tuyến tới các địa phương.
Quang cảnh tại đầu cầu Trung tâm hành chính tỉnh |
ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN CÁC CHỈ SỐ
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công tác cải cách hành chính đóng vai trò hết sức quan trọng, là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, công tác Cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh hết sức quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực và đã đạt được những kết quả tích cực.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo |
Tuy nhiên, một số lĩnh vực, một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự cố gắng, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế. UBND tỉnh tổ chức Hội thảo “Đánh giá, phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao các chỉ số: PAR-Index, SIPAS, PAPI và PCI của tỉnh Lâm Đồng”, nghe các chuyên gia hỗ trợ phân tích, đánh giá và định hướng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, điểm số các chỉ số: chỉ số Cải cách hành chính - PAR Index, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS và chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI.
Tiếp đó, ông Đỗ Quý Tiến - Phó Vụ trưởng, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cũng đã có phần tham luận, phân tích các chỉ số mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được cũng như còn hạn chế. Năm 2022, tổng điểm PAR- Index tỉnh Lâm Đồng đạt tổng điểm 86,72/100 điểm xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 hạng so với năm 2021; SIPAS đạt tổng điểm 78,17 điểm, xếp hạng 45/63; PCI đứng vị trí thứ 17 trong Bảng xếp hạng PCI, giảm 2 bậc so với năm 2021, nhưng có tổng điểm (67,62) tăng so với năm 2021 (67,17).
Ông Đỗ Quý Tiến - Phó Vụ trưởng, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ tham luận, phân tích các chỉ số của tỉnh Lâm Đồng |
Căn cứ kết quả các chỉ số năm 2022, ông Tiến đề xuất tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung quán triệt tới lãnh đạo các sở, ngành, UBND các cấp nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công tác cải cách hành chính của tỉnh, đánh giá khách quan, trách nhiệm đối với kết quả cải cách hành chính chung của tỉnh trong quá trình tham gia trả lời phiếu điều tra xã hội học. Xây dựng các kế hoạch hành động, nhất quán trong những hoạt động cải cách chất lượng điều hành kinh tế. Xây dựng các chương trình cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục đăng ký kinh doanh có điều kiện, phòng cháy, chữa cháy, thanh tra thuế, thanh tra xây dựng; tháo gỡ khó khăn về đất đai. Thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất; tháo gỡ các khó khăn trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Đối thoại chuyên sâu theo ngành nghề, địa bàn; thực hiện định kỳ; đa dạng các hình thức lấy ý kiến; phản hồi câu hỏi của doanh nghiệp nhanh chóng hơn.
CÔNG BỐ CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2022
Ở phần công bố Quyết định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Sở Nội vụ tỉnh đã nêu lên kết quả trên cơ sở thống nhất tổ chức tổ thẩm định, tự đánh giá của các sở ban, ngành, UBND các địa phương và kết quả Điều tra xã hội học năm 2022. Kết quả cấp sở, Sở Tài chính đứng vị trí thứ nhất với 70,05 điểm; Sở Giáo Giáo dục và Đào tạo đứng vị trí thứ hai với 68,75; Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp đứng vị trí thấp nhất.
Xếp loại các địa phương trong công tác cải cách hành chính, huyện Đơn Dương vươn lên vị trí thứ nhất, 2 huyện Cát Tiên và Lạc Dương ở vị trí thấp nhất; Chỉ số thành phần trung bình cấp huyện đạt 93,39%, trong đó không có đơn vị huyện đạt điểm tối đa, chênh lệch giữa đơn vị có Chỉ số thành phần cao nhất và thấp nhất (Đơn Dương, Lạc Dương) là 9,63%.
Hội thảo đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến nhằm làm rõ kết quả thực hiện cải cách hành chính năm 2022, nhất là những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phân tích làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính năm 2023 cũng như trong giai đoạn 2022 - 2030. Với những giải pháp duy trì và cải thiện chỉ số cải cách hành chính như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác cải cách hành chính; tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương hành chính; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, kịp thời công bố, cập nhật đầy đủ và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thống tin giải quyết của tỉnh và Hệ thống thống tin giải quyết thủ tục hành chính ngành dọc; triển khai thực hiện hiệu quả chính quyền điện tử, chính quyền số trên phạm vi toàn tỉnh.
Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội thảo |
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Tỉnh Lâm Đồng xem cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị, là một trong những khâu đột phá trọng tâm nhằm hướng tới hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền số là để đảm bảo phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của tỉnh. Với quan điểm không chạy theo thành tích, kết quả phải thực chất, đúng và nêu cao sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tiếp thu, ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, từ Bộ Nội vụ, từ đó nhìn nhận toàn diện những hạn chế của tỉnh để khắc phục, nâng cao các chỉ số trong năm 2023. Trong thời gian tới, toàn tỉnh phải tập trung thay đổi từ nhận thức để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, hướng dẫn của tỉnh trong công tác cải cách hành chính, xây dựng và triển khai một cách quyết liệt, trọng tâm và kết quả thực chất các giải pháp nâng cao chỉ số. Đặc biệt, gắn với chuyển đổi số phải công khai, minh bạch các vấn đề cho người dân được biết, được kiểm tra, giám sát như vấn đề quy hoạch, các công trình trọng điểm, giao thông… đồng thời ra soát, cắt bỏ bớt các thủ tục không cần thiết, gây ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn trong thời gian tới lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn còn tồn tại, nghiên cứu những cơ chế chính sách mới tạo sự thông thoáng trong môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin