Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bão

NAM VIÊN 22:27, 30/06/2023

(LĐ online) - Ngày 30/6, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã ký công văn hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố về việc chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bão 2023.

Thông cổ thụ ngã đỗ làm sập nhà kính ở đường Đặng Thái Thân. Ảnh: Thụy Trang
Thông cổ thụ ngã đổ làm sập nhà kính ở đường Đặng Thái Thân. Ảnh: Thụy Trang

Theo đó, thời gian qua, tình hình thiên tai, thời tiết ở một số địa phương diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài, đã gây ngập cục bộ, sạt lở đất, sạt trượt công trình xây dựng, ngã đổ cây xanh ở một số địa phương, nhất là ở những khu vực có độ dốc lớn, địa chất không ổn định, khu vực có độ chênh taluy âm/dương cao, và đã gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó hiệu quả tình hình thiên tai năm 2023, đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại đến tính mạng, tài sản Nhà nước và nhân dân và đảm bảo điều kiện an toàn trong xây dựng công trình trong mùa mưa bão.

Ngày 29/6/2023, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn lao động, an toàn công trình xây dựng trong mùa mưa bão 2023. Tham dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Sau khi nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 591/CĐ-TTg ngày 29/6/2023 về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Lâm Đồng và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ tại các địa phương; đồng chí Trần Văn Hiệp yêu cầu:

Giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ tại các văn bản, công điện của tỉnh. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, bị động trong công tác phòng chống thiên tai; chủ động rà soát, nắm chắc các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, sạt trượt công trình; chủ động chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nếu có xảy ra thiên tai, sạt lở đất, sạt lở công trình để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, con người trong mùa mưa bão.

Tổ chức kiểm tra các công trình thi công thuộc phạm vi quản lý để rà soát công tác phòng chống, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thiết kế, biện pháp tổ chức thi công và bảo hộ lao động nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, công nhân thi công và công trình, người dân khu vực lân cận.

Kiên quyết đình chỉ thi công đối với công trình có nguy cơ gây mất an toàn lao động, an toàn chịu lực, có nguy cơ sạt trượt cao. Trong mùa mưa bão 2023, tạm thời tạm ngưng cấp phép xây dựng đối với các công trình, dự án nằm trên sườn dốc, mái taluy âm/dương cao, có nguy cơ sạt trượt.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, xã, phường, thị trấn tổng kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt trượt, ngập lụt, lũ quét khi mưa lớn kéo dài (nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ) trên địa bàn để chủ động cảnh báo, sơ tán, di dờ dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm và có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Kiểm tra và kiên quyết xử lý, tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, cơi nới, lấn chiếm lòng sông suối, công trình thoát nước và tổ chức khơi thông dòng chảy để khắc phục tình trạng ngập lụt trong khu dân cư, nhất là trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc. 

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân về công tác phòng chống đuối nước trẻ em; ao hồ tự đào của người dân phục vụ sản xuất phải được rào chắn bảo vệ đảm bảo an toàn; nghiên cứu khu vui chơi tập trung cho trẻ em tại khu phố, thôn xóm để chủ động quản lý; tuyệt đối không để trẻ ở nhà mà không có người  trông coi, quản lý; thành lập các tổ kiểm tra việc rào chắn, cắm biển báo tại các ao hồ, sông suối nguy cơ xảy ra đuối nước và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống đuối nước trẻ em theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Xây dựng phương án trực 24/24 theo dõi mức nước lũ trên các sông suối để kịp thời cảnh báo lũ quét, ngập lụt và di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sở NN-PTNT khẩn trương hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống hồ đập, kênh mương thủy lợi trên địa bàn; tổ chức nạo vét, sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời hệ thống thủy lợi, tránh xảy ra tình trạng  ngập lụt, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa bão.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và cấp huyện kích hoạt tăng mức độ phòng chống thiên tai ở trạng thái sẵn sàng, chuẩn bị các điều kiện để kịp thời ứng phó, ứng cứu đảm bảo an toàn cho người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết  và diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. 

Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, công an các huyện, thành phố rà soát, chuẩn bị đầy đủ máy móc, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; tăng cường công tác ứng trực, tiếp  nhận thông tin và tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác phòng chống thiên tai, giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có lệnh điều động của cấp ủy, chính quyền địa phương…

Sở Xây dựng rà soát, đánh giá sự phù hợp của địa hình, địa chất đối với quy chuẩn xây dựng trên địa bàn tỉnh (tầng cao, khoảng lùi, khoảng cách giữa các nhà, kết cấu nhà ở taluy âm, taluy dương…) đảm bảo sát với tình hình thực tế để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

Sở GTVT tổ chức kiểm tra, rà soát, khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các trục đường huyết mạch; chủ động xử lý các vị trí có nguy cơ sạt trượt, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trong mùa mưa bão.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Đài PTTH tỉnh, Báo Lâm Đồng cung cấp kịp thời đầy đủ thông tin đầy đủ, ngắn gọn đến người dân để cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó kịp thời hiệu quả về thiên tai. Đảm bảo mạng lưới thông tin, trang thiết bị để giữ thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành PCTT-TKCN.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh xác định công tác chủ động PCTT-TKCN là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết; căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế tại địa bàn, đơn vị, có trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện tốt công tác chủ động phòng chống thiên tai; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; đảm bảo sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng, cơ quan, đơn vị, địa phương để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.