(LĐ online) - Chiều 3/6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và đồng chí Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh.
Tại hội nghị, Bộ Y tế đã báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Tính đến ngày 10/4/2023, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 262,23 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại. Trong đó, tổng số vắc xin mua từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ vắc xin là 109,75 triệu liều (chiếm 41,9%); tổng số vắc xin viện trợ từ các nguồn trong và ngoài nước là 152,48 triệu liều (chiếm 58,1%), tương ứng với hàng chục nghìn tỷ đồng đã được tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Tính đến ngày 29/5/2023, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 266 triệu liều vắc xin và đã đạt được tỷ lệ bao phủ cao cho các nhóm đối tượng được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới. Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng mũi 1,2,3,4 cho các nhóm đối tượng với tỷ lệ cao, chỉ còn tỷ lệ tiêm chủng mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt dưới 80%.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà, các địa phương đã quyết liệt triển khai, góp phần giảm bớt áp lực của các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở điều trị Covid-19, hạn chế lây nhiễm, tăng cường hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. Các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 dần được xóa bỏ. Các bệnh viện tiến hành thành lập khoa, đơn vị Covid-19 để thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa khám chữa bệnh thông thường, vừa tiếp nhận điều trị người mắc Covid-19 tại địa phương.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; trong đó, quy định bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước và thuốc điều tri Covid-19.
Đánh giá Nghị quyết số 128/NQ-CP đã có tác động mạnh mẽ, bao trùm lên mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội; là dấu mốc chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới, vừa bảo đảm các hoạt động kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả; đánh dấu sự chuyển hướng mang tầm chiến lược từ chống dịch bằng các biện pháp hành chính khi chưa đủ vắc xin, thuốc điều trị sang thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố |
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng lòng nhất trí của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn xã hội, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, quyết liệt và bảo đảm sự hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Thực tế đã chứng minh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP là hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp, có vai trò, ý nghĩa quyết định với việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết số 128/NQ-CP đã đạt được mục tiêu đề ra là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Sau gần hai năm, dịch bệnh được kiểm soát ngày càng vững chắc; từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; nền kinh tế phục hồi rất tích cực; tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục, đi cùng với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 43.100 ca tử vong (0,37%). Từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc, giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022; tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%. Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19. Tỷ lệ người mắc Covid-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Hiện nay, nước ta đã đủ điều kiện chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm) sang nhóm B (các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm).
Trên cơ sở kết quả báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP và căn cứ tình hình thực tiễn, tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ xem xét bãi bỏ Nghị quyết số 128/NQ-CP và các văn bản chuyên môn hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này. Bộ Y tế đang hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, đồng thời sẽ ban hành hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của WHO. Trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ tham mưu và đề xuất Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Căn cứ Chiến lược chuẩn bị và ứng phó với Covid-19 giai đoạn 2023-2025 của WHO ngày 3/5/2023, qua đánh giá tình hình dịch bệnh và năng lực đáp ứng của hệ thống, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, có sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội đã tạo được cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp với các cấp độ dịch trên địa bàn, là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, tổ chức, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tại Việt Nam, số ca mắc, số ca tử vong đã giảm mạnh so với năm 2021 và năm 2022. Tuy nhiên, việc công bố hết dịch Covid-19 sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật và có các điều chỉnh khác liên quan. Bên cạnh thành công, Việt Nam cũng trải qua thời gian hết sức khó khăn, với những mất mát to lớn. Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với những mất mát mà nhân dân đã gánh chịu, đặc biệt là những mất mát của lực lượng tham gia phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và cảm ơn các đồng chí, đồng bào trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế đã giúp Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19.
Thủ tướng chính phủ ghi nhận những ý kiến, giải pháp của các bộ, ban ngành và các địa phương về những đề xuất các giải pháp trong phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; trong đó, thống nhất đề nghị của Bộ Y tế điều chỉnh dịch bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, riêng vấn đề công bố hết dịch Covid-19 thì sẽ công bố theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong thời gian tới, dịch bệnh chưa thể chấm dứt, đặc biệt hậu quả do đại dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài. Do đó, công tác phòng, chống dịch vẫn tiếp tục, nhất là nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng và khắc phục hậu quả, tiếp tục ổn định đời sống của nhân dân, đặc biệt là người chịu tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19; biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tốt. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để điều chỉnh phù hợp tình hình mới. Xây dựng kế hoạch kiểm soát bền vững Covid-19 trong giai đoạn mới, cũng như các dịch bệnh khác có thể xảy ra; thực hiện việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin