Với mục tiêu xây dựng thôn trở thành miền quê đáng sống, trong những năm qua, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn (Lâm Hà) luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, tạo nên sự khởi sắc đáng ghi nhận.
Bà con đồng bào DTTS thôn Đam Pao tham gia lớp học truyền dạy cồng chiêng |
Thôn Đam Pao có đông dân cư nhất xã Đạ Đờn, với 487 hộ, 2.390 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên chiếm 49,2%.
Nằm dọc hai bên trục Quốc lộ 27, thôn Đam Pao có địa hình bằng phẳng; cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, đường nội thôn được bê tông rộng rãi và sạch đẹp. Những ngôi nhà của bà con đều được xây dựng chắc chắn và hoàn thiện các tiêu chí về vệ sinh môi trường. Trong thôn còn giữ được nhiều căn nhà gỗ kiến trúc của đồng bào DTTS, với khoảnh sân, vườn rộng rãi; phía trước là nơi gia đình sinh hoạt, phơi lúa, cà phê khi vào vụ thu hoạch.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chi bộ, sự điều hành của Ban Nhân dân thôn, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội thôn; thời gian qua, bằng những việc làm cụ thể gắn liền với phương châm “dân vận khéo” phù hợp với tình hình thực tế địa phương, thôn Đam Pao ngày càng “thay da đổi thịt”.
Ông Nguyễn Minh Thu, Trưởng thôn Đam Pao cho biết: Để có được những kết quả đáng ghi nhận, những năm qua, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thôn tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thôn hiện đang canh tác 152 ha cà phê và trên 54 ha lúa nước... Đặc biệt, Nhân dân thôn luôn nêu cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa gốc Tây Nguyên như: Duy trì làng nghề dệt thổ cẩm, thường xuyên biểu diễn các tiết mục văn nghệ múa cồng chiêng...
Hiện, thôn Đam Pao có nhiều mô hình phát triển kinh tế đang được thực hiện khá hiệu quả, như: “Tổ hợp tác trồng rau, hoa công nghệ cao” với 14 hội viên; “Tổ hợp tác chăn nuôi bò vàng” tập trung theo chuỗi liên kết, với 12 hội viên; “Tổ hợp tác mây tre đan” với 26 hội viên; “Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm” với 52 hội viên; “dệt thổ cẩm” với 125 hộ... Đáng nói, Mô hình “Dệt thổ cẩm” đã tạo công ăn việc làm cho người dân những lúc nông nhàn và được phát triển thành một sản phẩm du lịch độc đáo để quảng bá và bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh...
Nhờ đó, thu ngân sách hàng năm đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người trong thôn gấp 1,75 lần thu nhập bình quân xã Đạ Đờn. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trong thôn luôn đảm bảo; không có đơn thư vượt cấp; không tụ tập đông người; không để xảy ra “điểm nóng” về mất an ninh trật tự...
Điều đáng nói là việc đảm bảo vệ sinh môi trường luôn được cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm; nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS đã chuyển biến rõ nét. Bà con đã trồng và chăm sóc 2 km đường hoa khá đẹp; thành lập 16 tổ tự quản thu gom rác, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp, 98% các tuyến đường giao thông đều được bê tông hóa; 100% khu dân cư có điện thắp sáng đường quê. Các khu dân cư đều có camera an ninh; có sân chơi thể dục, thể thao như bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền. Tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt trên 95%. Là một trong những thôn đầu tiên đạt “Khu dân cư kiểu mẫu cấp tỉnh”.
Khi kinh tế - xã hội có bước phát triển, bà con thôn Đam Pao đã bỏ dần các hủ tục, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn hóa mới. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng có nhiều chuyển biến. Đối với việc tang, được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, thời gian tổ chức tang lễ đúng quy định. Việc cưới cũng được tổ chức trang trọng nhưng tiết kiệm, đúng quy định Luật Hôn nhân và Gia đình.
Khi được hỏi về sự đổi thay ở Đam Pao, ông Nguyễn Thái Sơn - Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn khẳng định: Cấp ủy, Ban Nhân dân và các tổ chức đoàn thể ở thôn Đam Pao luôn đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là làm tốt công tác dân vận khéo theo hướng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; cán bộ, đảng viên và Nhân dân thể hiện rõ tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội. Và sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ, đảng viên và Nhân dân chính là nhân tố quyết định sự đổi thay, đột phá trong các phong trào ở Đam Pao. Qua đó, bộ mặt nông thôn đã chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là bà con DTTS nơi đây ngày càng nâng cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin