Đà Lạt: 20 năm xây dựng ''Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc''

NGUYỆT THU 04:37, 19/06/2023

Trải qua 20 năm (2003-2023) tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, vị trí, vai trò của MTTQ các cấp trên địa bàn TP Đà Lạt ngày càng được nâng lên. Từ việc tổ chức duy trì ngày hội đã góp phần củng cố, xây dựng tình đoàn kết trong Nhân dân, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, khăng khít, thúc đẩy tinh thần thi đua phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Đà Lạt ngày một giàu mạnh.

Đà Lạt biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”
Đà Lạt biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu tại "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”

Nhân dân TP Đà Lạt vẫn luôn tự hào về một thành phố anh hùng, lập nhiều chiến công trong lịch sử, tiếp tục xây dựng quê hương Đà Lạt không ngừng lớn mạnh, to đẹp hơn. Nhìn lại thời kỳ lịch sử, chuẩn bị giải phóng thị xã Đà Lạt (3/4/1975), tỉnh Tuyên Đức, việc huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến trong 20 năm của Nhân dân Đà Lạt đã có những đóng góp quan trọng. Nhân dân đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, tích trữ vũ khí, lương thực, nuôi dưỡng thương binh, nuôi gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bám trụ hoạt động, có thời gian cung cấp, nuôi từ 4 đến 5 tiểu đoàn suốt cả tháng trời về đứng chân chiến đấu. Sự đóng góp của Nhân dân Đà Lạt có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc kháng chiến ở địa phương. Nổi bật là ta đã thành công trong việc “biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta”. Trong cuộc chiến đấu cam go và ác liệt, 733 liệt sỹ đã ngã xuống, 323 thương binh đã cống hiến một phần thân thể cho quê hương, hơn 1.100 cán bộ và đồng bào bị địch bắt, tra tấn, tù đày.

Ghi nhận những đóng góp đó, Nhà nước phong tặng cho quân và dân Đà Lạt 4 Huân chương Thành đồng, 2 Huân chương Quân công, 16 Huân chương Chiến công, 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Mẹ Việt Nam Anh hùng; xã Xuân Trường và thành phố được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 224 gia đình được Nhà nước tặng bảng vàng danh dự “Gia đình có công với cách mạng”. Đó là sự ghi nhận, biểu dương thành tích và sự hy sinh xương máu của quân và dân Đà Lạt trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

20 năm qua, trên tinh thần phát huy truyền thống đoàn kết quý báu đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Đà Lạt và các tổ chức thành viên không ngừng mở rộng tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân, củng cố tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trong công tác dân tộc, tôn giáo. Chú trọng phát huy vai trò của các vị chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc tham gia tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tại ngày hội Đại đoàn kết hàng năm, sau phần lễ là phần hội đã mở ra nhiều sáng kiến hay, hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bằng cách trực tiếp tham gia các tiết mục văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian...; sau đó kết thúc phần hội là toàn dân cùng tham dự “bữa cơm đại đoàn kết” với tinh thần vui vẻ, phấn khởi, từ đó mọi mâu thuẫn, khúc mắc, hạn chế lại tiếp tục được hóa giải và nhân lên tình cảm gắn bó của bà con hàng xóm, láng giềng...

20 năm qua, Đảng bộ thành phố đã cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, về đại đoàn kết toàn dân tộc... 100% khu dân cư trên địa bàn thành phố đều tổ chức ngày hội và đều thực hiện nội dung ôn lại truyền thống lịch sử của MTTQ Việt Nam, về vị trí, vai trò của MTTQ trong sự nghiệp cách mạng hiện nay; báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; xây dựng và nâng cao chất lượng khu dân cư tiêu biểu, Khu dân cư kiểu mẫu; biểu dương khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu. Đồng thời, phát động thi đua và tổ chức ký cam kết thực hiện các nhiệm vụ của năm sau. Trong đó, chú trọng khơi gợi, giữ gìn nét đẹp riêng của người Đà Lạt thông qua việc phát huy phong cách “Người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch và mến khách”.

Kết quả nổi bật được minh chứng qua những con số sau: Nếu như năm 2003 toàn thành phố có 80% gia đình đạt Gia đình văn hóa, 81% khu dân cư văn hóa thì đến cuối năm 2022 đã có 97% gia đình đạt Gia đình văn hóa, 98% khu dân cư được công nhận Khu dân cư văn hóa và nhiều khu dân cư đạt khu dân cư tiêu biểu, kiểu mẫu.

Trao đổi về những kết quả nổi bật trong 20 năm tổ chức duy trì Ngày hội đại đoàn kết, ông Nguyễn Quang Hải - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Lạt cho biết: Thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể hiện truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước trong các nội dung ngày hội, việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết đã góp phần khơi dậy trong Nhân dân ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Khi tham gia ngày hội, Nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết. Ngày hội đã tạo điều kiện để người dân bày tỏ ý kiến, hiến kế xây dựng khu dân cư ngày càng văn minh, hạnh phúc...

Ngày nay, với công nghệ 4.0, hầu hết các thiết bị thông minh đã kết nối với cộng đồng dân cư thông qua các nhóm, mạng xã hội như facebook, zalo, trang cộng đồng fanpage... Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Mặt trận và tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước cũng đã được triển khai đến cơ sở, khu dân cư, từng hộ dân một cách kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm.