Đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2023

C.THÀNH 16:26, 13/06/2023

(LĐ online) - Ngày 13/6, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa lũ năm 2023, đặc biệt là đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn ở các mức độ khác nhau.

Cơ quan chức năng kiểm tra việc lấn chiếm ranh giới thượng nguồn hồ Próh, huyện Đơn Dương
Cơ quan chức năng kiểm tra việc lấn chiếm ranh giới thượng nguồn hồ Próh, huyện Đơn Dương

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 440 công trình thủy lợi, bao gồm 227 hồ chứa; 90 đập dâng; 19 trạm bơm; 91 đập tạm; 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.200 km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 47.569 ha đất canh tác. Trong số 227 hồ chứa có 35 công trình lớn, 61 công trình vừa và 131 công trình nhỏ.

Theo đánh giá, phần lớn các hồ đập trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu, do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư nên các hạng mục của hồ đập không được đầu tư xây dựng đồng bộ, kiên cố và qua thời gian sử dụng lâu dài nên một số công trình đã bị hư hỏng xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.

Từ kết quả kiểm tra, rà soát từ các địa phương, đơn vị thì đến thời điểm trước mùa mưa lũ năm 2023 trên địa bàn tỉnh hiện có 66 công trình có nguy cơ mất an toàn ở các mức độ khác nhau hiện chưa được thi công nâng cấp, sửa chữa, trong đó có 9 công trình bị hư hỏng nặng đã bố trí vốn, còn lại 57 công trình bị hư hỏng hiện chưa có kinh phí sửa chữa.  Ngoài ra có 15 công trình hư hỏng, xuống cấp khác như đã nêu ở trên hiện đang được triển khai thi công khắc phục.

Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khẩn trương kiểm tra, theo dõi, giám sát thường xuyên về hiện trạng an toàn công trình trong quá trình khai thác, vận hành hồ chứa nước, công trình thủy lợi được giao quản lý; sớm phát hiện tình trạng hư hỏng, xuống cấp của công trình; chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương, nguồn được phân cấp để kịp thời sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo an toàn, ổn định công trình.

Chỉ đạo các Chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hư hỏng, xuống cấp đã bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn, ổn định công trình và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát đánh giá mức độ an toàn của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, căn cứ tình hình tế, mức độ hư hỏng xuống cấp, tình trạng mất an toàn các công thủy lợi để yêu cầu các địa phương, đơn vị được giao quản lý chủ động bố trí nguồn kinh phí được phân cấp, nguồn sửa chữa thường xuyên để kịp thời sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn công trình; trường hợp vượt thẩm quyền, làm việc cụ thể với Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất UBND tỉnh thực hiện theo quy định.