HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT NĂM 2023:
Giảm tỷ lệ mắc, tử vong do sốt xuất huyết, khống chế không để dịch lớn xảy ra

AN NHIÊN 00:33, 13/06/2023

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 789 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), số ca mắc tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Bác sỹ, điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà theo dõi điều trị cho bệnh nhân SXH
Bác sỹ, điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà theo dõi điều trị cho bệnh nhân SXH

Các địa phương có ca bệnh SXH tăng so với cùng kỳ gồm: Di Linh 233 ca, Đức Trọng 163 ca, Bảo Lâm 113 ca, Đạ Tẻh 89 ca, Cát Tiên 28 ca. Số ca mắc SXH ghi nhận xuất hiện tại 102/142 xã, phường, thị trấn thuộc 12/12 huyện, thành phố. Có 272 ổ dịch tại 10/12 huyện, thành phố gồm: Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc. Hiện đã xử lý 272 ổ dịch (100%) bằng biện pháp diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với diệt lăng quăng.

Trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường phòng, chống SXH; tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm thống kê báo cáo SXH và phần mềm về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo dịch, bệnh truyền nhiễm cho cán bộ tuyến huyện, thành phố, bệnh viện và cơ sở y tế ngoài công lập. Tăng cường công tác giám sát hoạt động phòng, chống SXH tại các địa phương và phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh giám sát công tác phòng, chống SXH tại huyện Đức Trọng. Giám sát xử lý các ổ dịch; phun hóa chất diện rộng tại các thôn thuộc xã Bảo Thuận (Di Linh), xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc), xã Tân Thanh (Lâm Hà).  

Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), SXH là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới; trong đó, các nước ASEAN là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của SXH. Tại Việt Nam, SXH lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phía Nam. Trong những năm qua, các ca mắc SXH đã giảm đáng kể song vẫn còn ở mức cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Bệnh SXH là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vắc xin ngừa bệnh SXH hiện đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, đến nay, phòng bệnh SXH chủ yếu vẫn là giải quyết muỗi truyền bệnh như phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng (bọ gậy). Để phòng, chống SXH hiệu quả cần có sự chung tay của chính quyền các cấp và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình.

Nhằm kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN phòng, chống SXH, tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Singapore (tháng 7/2010), WHO, tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN đã quyết định chọn ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng, chống SXH”. Kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay phòng, chống SXH, học tập và chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có SXH.

Tại Việt Nam, hàng năm, Bộ Y tế đã tổ chức hưởng ứng sự kiện “Ngày ASEAN phòng, chống SXH”. Phát động các chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống SXH và tổ chức các hoạt động thiết thực khác để huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH tại địa phương, cao điểm vào tháng 6/2023 nhằm hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 13. 

Theo báo cáo kết quả giữa kỳ 2021-2025 của Sở Y tế Lâm Đồng nhận định: Tình hình SXH diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các ổ dịch nhỏ. Tuy nhiên, ngành Y tế đã khống chế không để xảy ra dịch lớn tại địa phương. Tỷ lệ bệnh nhân SXH tăng, đầu nhiệm kỳ là 35,2 ca/100.000 dân đến cuối năm 2022 là 348 ca/100.000 dân; đã xảy ra 3 trường hợp tử vong. Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông, giám sát chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và số tử vong do SXH; các bệnh viện trong tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc men để thu dung điều trị cho bệnh nhân SXH kịp thời.

 Để phòng, chống dịch bệnh SXH trong thời gian tới, không để dịch bệnh lan rộng kéo dài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề ra các giải pháp như: UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban thuộc địa phương quản lý để tổ chức thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống SXH. Tăng cường công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch SXH theo quy định của Bộ Y tế. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống SXH với nhiều hình thức để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH như: lật úp, loại bỏ các dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt lăng quăng (bọ gậy), nằm màn, chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của bệnh SXH và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

 Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân SXH trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, chủ động nguồn hóa chất tại địa phương để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Các cơ sở khám, chữa bệnh, thu dung bệnh nhân chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư... để phục vụ cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khi tới khám và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo dõi điều trị và chuyển tuyến kịp thời hợp lý, không để bệnh nhân diễn tiến nặng và tử vong do SXH.