Khi yêu thương lan tỏa

NHẬT MINH 06:23, 14/06/2023

Với thông điệp “Ai thừa thì mang đến, ai thiếu thì mang đi”, Mô hình Chiếc tủ yêu thương của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đà Loan, huyện Đức Trọng đã trở thành chiếc cầu nối trọn vẹn cho người trao và người nhận đều luôn cảm thấy ấm lòng. Mô hình trên cũng vừa được biểu dương tại Hội nghị tổng kết Phong trào Thi đua yêu nước do UBND huyện Đức Trọng tổ chức. Riêng cá nhân chị Phan Thị Tố Oanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Đà Loan - người khởi xướng mô hình trên, cũng là điển hình tiên tiến vừa được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Áo, quần đem về được sắp xếp ngăn nắp tại chiếc tủ yêu thương để người dân thuận tiện đến lấy
Áo, quần đem về được sắp xếp ngăn nắp tại chiếc tủ yêu thương để người dân thuận tiện đến lấy

Chị Phan Thị Tố Oanh cho biết, mới đầu khi xây dựng mô hình, chị em trong Ban Chấp hành (BCH) Hội LHPN xã Đà Loan cũng còn nhiều băn khoăn, bởi lúc đó, không biết lấy đồ đâu ra để thực hiện mô hình. “Khi bắt tay triển khai mô hình, chúng tôi xác định, BCH triển khai vận động bản thân gia đình các chị trong BCH thực hiện trước, ai có quần áo, sách vở, các vật dụng... dư thừa thì mang đến góp vào tủ quần áo; sau đó, thông qua trang mạng xã hội như zalo, facebook... để tuyên truyền tới chị em, bà con Nhân dân. Lúc bấy giờ, vì chị em trong các thôn vùng sâu, vùng xa, những nơi còn nhiều khó khăn và cũng là “địa chỉ” rất cần nhận những món đồ đó, nhưng còn thiếu thông tin nên ít biết tới, vì vậy, các chị em trong BCH Hội đã gói riêng từng túi đồ để phát tận tay cho chị em. Dần dần sau này, để phát quần áo, vật dụng tại mỗi địa điểm trong xã, Hội đều nghiên cứu, chọn địa điểm phù hợp. Như đối với thôn Sóp, Ma Am, BCH lựa chọn thời điểm “bày hàng” là 9 giờ 30 phút sáng Chủ nhật, vì hai thôn này đa số là người có đạo đi lễ sớm, giờ đó một số người đi lễ về nhà; các bà, các chị đi chợ cũng về vào khoảng thời gian này. Lúc này, chị em trong BCH sẽ chọn một khoảnh sân đủ rộng, trải các tấm bạt rồi trút các bao quần áo, vật dụng lên đó, tỏa đi các khu nhà mời bà con ra chọn đồ miễn phí. Cứ thế, các bà, các chị cần quần áo, vật dụng như thế nào sẽ tự đến lựa cho mình từng cái áo, cái quần mình cảm thấy vừa và ưng ý nhất... Cùng với thời gian, chiếc tủ yêu thương càng có nhiều người biết đến và nhận được nhiều sự đóng góp của các chị, trong đó, có chị Hồng, chị Liễu ở Đà Lạt, cô Thủy (Giáo viên Trường THPT Đức Trọng), chị Nga ở Bình Dương, chị Tú ở Bảo Lộc... Từ lúc mô hình được thành lập đến nay, các chị đã làm cầu nối thu gom các vật dụng cũ, hàng tháng, Hội bố trí người đến nhận đem về tủ đồ.

Đến khoảng giữa năm 2019, thì tất cả các thôn trên địa bàn đều biết đến mô hình này, Hội LHPN xã đã chọn vị trí cố định tại số 2, thôn Đà Phước, xã Đà Loan để làm địa điểm đặt Mô hình “Chiếc tủ yêu thương”. Vì vị trí này thuận tiện để người dân đến chọn quần áo, vật dụng và cũng là điểm tiếp nhận vật dụng cũ từ những người cần tặng cho người khó khăn. Và địa chỉ này càng lúc càng được chị em trên địa bàn cũng như các xã vùng khác biết đến nhiều hơn. Hàng ngày, có nhiều chị em đến lấy áo quần cũng như vật dụng còn sử dụng được, và cũng như vậy, có rất nhiều chị em cũng đem đồ mà mình không dùng đến cho mô hình.

Từ lúc thành lập đến nay, đã vận động được trên 500 ngàn chiếc áo, quần, 2.000 bộ sách cũ, 5.000 cuốn vở, 300 chiếc chiếu, 1.000 chiếc cặp, 300 cái mũ bảo hiểm, trên 1.000 đôi giày, dép, và nhiều vật dụng khác như 20 tivi, 15 xe đạp, nồi cơm điện, nồi, chảo, 1 chiếc tủ lạnh, 1 máy giặt, trên 1.000 phần quà cho bà con nghèo và trẻ hiếu học... Đặc biệt, trong năm 2023, BCH Hội LHPN xã cũng đã kêu gọi tinh thần đùm bọc giúp đỡ miền Trung bị lũ lụt với 1.500 túi đồ quần áo, 200 thùng mì, 200 thùng nước, 200 bộ sách, 400 cuốn vở, 200 đôi giày, dép, 50 chiếc mền lông và 5 bao ra, bọc mền, áo gối, khoảng 5 tạ rau, củ và một số vật dụng, dụng cụ học tập khác. Mô hình này đã lan tỏa rộng và được các xã như Tà Năng, Đa Quyn, Ninh Loan, Tà Hine, Liên Hiệp, Tân Hội học tập, làm theo, giúp cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

“Đến nay, mô hình này đã lan tỏa rộng trong và ngoài địa bàn xã, ngày có nhiều chị biết đến, không những các chị, bà con Nhân dân trong xã đến lấy, các chị còn truyền tai nhau ra ngoài xã như xã Tà Năng, Đa Quyn, Ninh Loan, Tà Hine... có chị ở huyện Lạc Dương và các xã lân cận trên địa bàn huyện cũng tìm đến chiếc tủ yêu thương và chọn cho mình những vật dụng mà các chị cần. Với mong muốn chia sẻ những khó khăn cho các thôn, xã lân cận, nên tranh thủ ngày thứ Bảy, Chủ nhật, các chị trong BCH Hội Phụ nữ xã lại đem các vật dụng cũng như áo, quần đến một số thôn vùng sâu, vùng xa như Thôn 2, xã Tà Năng, thôn Chơ Rung, xã Đa Quyn để chị em, và người dân ở đây có cơ hội lựa chọn cho mình món đồ ưng ý. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục kêu gọi các chị em hưởng ứng mô hình, để mô hình ngày càng nhiều người biết đến, để thêm nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, sẻ chia” - chị Oanh vui vẻ cho biết thêm.