Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023):
Văn hóa báo chí trong giai đoạn hiện nay

TRẦN TRUNG HIẾU 05:39, 15/06/2023
Các phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện diễn ra tại Đà Lạt. Ảnh: Võ Trang
Các phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện diễn ra tại Đà Lạt. Ảnh: Võ Trang

THẤM NHUẦN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA BÁO CHÍ

Văn hóa báo chí có thể hiểu là hệ thống những giá trị văn hóa được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động báo chí; thể hiện qua tư duy, nhận thức, hành động của các chủ thể tham gia hoạt động báo chí và kết quả mà chủ thể tạo ra trong hoạt động đó. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội quân xung kích trong công tác tư tưởng. Người thể hiện quan điểm nhất quán, báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa. Văn hóa báo chí trong tư tưởng của Người chính là các giá trị bền vững, là “Chân, Thiện, Mỹ” của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Trong quan điểm của Hồ Chí Minh luôn đề cao văn hóa và đạo đức người làm báo, Người cho rằng báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, đòi hỏi người làm báo phải có năng lực cao về trí tuệ, hiểu biết, kinh nghiệm cuộc sống phong phú, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Thực tiễn qua 98 năm hình thành và phát triển, Báo chí cách mạng Việt Nam đã phản ánh khách quan, sinh động mọi mặt của đời sống xã hội; truyền tải tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; kịp thời phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, hoàn thiện lý luận, hoạch định chủ trương, chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Báo chí đã làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin, truyền thông, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân; đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đi đầu trong việc lan tỏa thông tin chính thống, hình ảnh một Việt Nam an toàn, ổn định, hoà bình, hữu nghị, phát triển, góp phần thực hiện thành công đường lối, chiến lược đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín đất nước... Nhiều cơ quan báo chí trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đã tự thân hình thành nên những giá trị văn hóa, môi trường văn hóa tốt đẹp, những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức văn hóa để mỗi cán bộ, phóng viên, người làm báo tự giác thực hiện, coi đó là điều hiển nhiên, lẽ tất yếu của người làm báo. Qua đó, chất lượng người làm báo và chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí từng bước được khẳng định, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được báo chí lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có những cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, đánh mất bản sắc văn hóa của tờ báo; yếu tố nhân văn, văn hóa trong tác phẩm báo chí không được coi trọng; chạy theo mạng xã hội, giật tít câu view, sử dụng thông tin, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam. Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng về thông tin của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, gây tác động tiêu cực trong dư luận. Một bộ phận đội ngũ cán bộ, phóng viên chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, sứ mệnh, trách nhiệm xã hội của người làm báo, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chạy theo lối sống thực dụng, vị kỷ bị xử lý kỷ luật và hình sự. Trước thực trạng trên, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

XÂY DỰNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA BÁO CHÍ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; đồng thời, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận chỉ đạo cần phải nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, trong đó có nhiệm vụ kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí; xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, văn hóa báo chí của người làm báo. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát triển báo chí và xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, như: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Luật Báo chí; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đều coi trọng việc nâng cao văn hóa trong cơ quan báo chí, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí. 

Cách đây vừa tròn một năm, nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Báo Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Thông qua phong trào góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành “Tiêu chí văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo” với 12 tiêu chí hết sức rõ ràng và cụ thể. Tại buổi lễ phát động, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo: “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là trách nhiệm, đồng thời, cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo. Phong trào phải được duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội”.

Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí, thiết nghĩ cần phải xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa. Trước hết, đối với cơ quan báo chí văn hóa là phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; xây dựng, tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan; tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung; quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện. Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị "chân, thiện, mỹ"; lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo trong việc triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Thứ hai là, xây dựng người làm báo văn hóa. Chúng ta luôn nhớ lời Bác dạy: “Báo chí là văn hóa thì tất nhiên đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, nhà báo coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa”. Người quan niệm, nhà báo làm ra sản phẩm lao động là các giá trị tinh thần cụ thể được xã hội hóa ở mức rất cao. Nếu nhà báo không có trách nhiệm sâu sắc đối với sản phẩm mà mình làm ra thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế hơn ai hết nhà báo phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp. 

Theo “Tiêu chí văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo” thì người làm báo cần hội đủ các phẩm chất là: Có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, quy định của cơ quan báo chí; Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo; tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức. Đồng thời, người làm báo có văn hóa là phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng.

Nhà báo lão thành cách mạng Hữu Thọ đã từng khái quát phẩm chất người làm báo bằng 3 từ: “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc” mà đến nay các nhà báo vẫn nằm lòng và coi đó là cẩm nang, định hướng cho hoạt động của mình. Mắt sáng giúp nhà báo nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất của sự vật, hiện tượng, chọn đúng vấn đề có lợi cho dân, cho nước để thông tin, phản ánh. Lòng trong là đạo đức trong sáng, ngay thẳng, trung thực, bản lĩnh, không bị lung lạc trước những cám dỗ tầm thường. Bút sắc là năng lực sáng tạo tác phẩm báo chí, nội dung và hình thức bài báo có chất lượng, có giá trị ảnh hưởng và lan tỏa tích cực. Ba phẩm chất nêu trên cũng chính là những phẩm chất mang đậm tính văn hóa của người làm báo hiện nay.

Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa đang là nhiệm vụ rất thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.