Mong mỏi của học sinh câm điếc

TRỊNH CHU 05:55, 27/06/2023

Trường Khiếm thính Lâm Đồng hiện mới chỉ có 3 cấp học gồm: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Mong ước lớn nhất của học sinh, phụ huynh, giáo viên nơi đây - được tỉnh Lâm Đồng cho phép nhà trường mở 1 lớp học ở cấp học trung học phổ thông, tạo điều kiện cho những học sinh chuyên biệt thêm cơ hội hòa nhập với cộng đồng.

Giáo viên và học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng
Giáo viên và học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng, chia sẻ rằng đề xuất trên vừa là tình cảm, tâm tư, cũng là mong mỏi của nhà trường muốn các em học sinh có thêm thời gian chuẩn bị, cũng như trang bị thêm kiến thức, trước khi bước ra xã hội. “Rất nhiều phụ huynh gọi điện thoại cho tôi, bảo “cô giữ cháu lại trường được không?”. Thật tình thì không thể giữ! Bởi giữ các cháu lại trường thì chỗ đâu cho các cháu ở và tiền đâu để chi trả những chi phí sinh hoạt? Trả các cháu về gia đình thì các cháu lại bơ vơ, vì không thể chia sẻ được bất cứ điều gì với bố mẹ”, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh tâm sự.

Phụ huynh thì bất lực, còn học sinh thì rơi vào khủng hoảng tâm lý. Thậm chí, một vài học sinh còn nổi cáu với bố mẹ. Đó là tình cảnh chung của tất cả học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng sau khi tốt nghiệp cấp 2 và trở về với gia đình. Cựu học sinh của Trường Khiếm thính Lâm Đồng - chị Trần Nguyễn Thảo Hiền, nay đang là nhân viên của quán cà phê Lặng Art - một quán cà phê nằm trên đường Pasteur, TP Đà Lạt, thổ lộ: “Nhà tôi ở thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Tốt nghiệp trung học cơ sở, tôi trở về nhà nhưng không thể hòa nhập với những thành viên trong gia đình, kể cả bố mẹ. Bởi ở nhà, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc “nói” chuyện bằng ký hiệu. Tôi có “nói” kiểu gì thì mọi người cũng không hiểu”. Thật may cho chị Hiền, nỗi “ấm ức” đó đã được giải tỏa, khi chị được anh Võ Anh Tuấn - người mở quán cà phê Lặng Art để tạo cơ hội việc làm cho những người câm điếc có thể sống được bằng chính sức lao động của mình, nhận vào làm việc tại quán cà phê Lặng Art. Tại đây, chị Hiền rất vui vì lại được sống và làm việc với các cựu học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng.

Tuy nhiên, những người may mắn như chị là không nhiều. Số học sinh còn lại phần đa không tìm được việc làm, không có môi trường để hòa nhập cuộc sống. Theo cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh, Trường Khiếm thính Lâm Đồng được thành lập năm 1980. Mỗi năm, trường có khoảng 120 học sinh theo học 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trước đây, học sinh của Trường Khiếm thính Lâm Đồng học xong lớp 5 là phải ra trường. Năm 2019, Trường Khiếm thính Lâm Đồng mới có cấp học trung học cơ sở. “Kể ra thì các cháu cũng đã có thể học lên đến lớp 9 mới ra trường. Độ tuổi lúc đó vào khoảng 19-20 tuổi. Nhưng học xong các cháu rất bơ vơ vì không thể giao tiếp với xã hội”, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh bày tỏ. Trường Khiếm thính Lâm Đồng hiện có 125 học sinh. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục học sinh theo chương trình chuyên biệt, trường còn tổ chức các lớp dạy nghề. Bởi chỉ có nghề mới giúp học sinh tìm kiếm được việc làm để tự lo cho cuộc sống bản thân.

Như đã nói ở trên, Trường Khiếm thính Lâm Đồng không có cấp học trung học phổ thông dành cho học sinh câm điếc. Những học sinh có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, muốn đi học tiếp bậc trung học phổ thông thì xuống tỉnh Đồng Nai. Nhưng qua tìm hiểu của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh, đa số học sinh của trường đều có gia cảnh khó khăn. Bởi vậy, niềm mong mỏi của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh và những học sinh khiếm thính là được mở thêm 1 lớp ở cấp học trung học phổ thông tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng để các học sinh chuyên biệt có thêm thời gian chuẩn bị, tiếp thu đủ kiến thức trước khi bước ra xã hội. “Chỉ cần một khoản kinh phí rất nhỏ để mở 1 lớp ở bậc học trung học phổ thông cho những học sinh chuyên biệt”, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh khẩn thiết.