Ngành Giáo dục Lâm Đồng với công tác bình đẳng giới

KIM NGÂN 19:48, 10/06/2023

(LĐ online) - Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện, cơ hội nhằm phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Bình đẳng giới không phải là việc phủ nhận những khác biệt giữa nữ và nam, cũng không phải là việc làm cho nữ và nam giống hệt nhau. Bình đẳng giới liên quan đến việc đem lại những cơ hội như nhau và điều kiện phù hợp cho cả nữ lẫn nam.

Bình đẳng giới là kết quả của những nỗ lực cải thiện về sự hiện diện tham gia và chất lượng tham gia của mỗi giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có nghĩa là bình đẳng giới thể hiện ở các khía cạnh:

- Bình đẳng về quyền và vị thế trong gia đình và xã hội: nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau. Đây vừa là nguyên tắc cơ bản về quyền bình đẳng, vừa là mục tiêu chúng ta phải nỗ lực phấn đấu mới đạt được.

- Bình đẳng về cơ hội và đổi xử: nam, nữ được tạo cơ hội như nhau và điều kiện phù hợp để họ có thể phát huy tối đa năng lực của mình. Đây là cơ sở nền tảng để tăng quyền năng cho mọi giới.

- Bình đẳng về lợi ích: nam, nữ được hưởng lợi như nhau từ những thành quả của sự phát triển. Đây là thước đo kết quả đầu ra của bình đẳng giới, đảm bảo sự công bằng xã hội.

- Mục tiêu của bình đẳng giới là: xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới; ghi nhận sự khác biệt và tạo điều kiện như nhau cho nam và nữ phát huy tối đa khả năng của mình và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Bình đẳng giới trong giáo dục là việc đảm bảo nam và nữ được đối xử công bằng, cung bình đẳng tiếp cận các cơ hội học tập và hưởng lợi từ quá trình giáo dục. Cả nam và nữ được trao quyền và được phát huy tối đa tiềm năng bản thân để đóng góp cũng như hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội một cách bình đẳng. Tiến hành các hành động, các biện pháp nhằm xóa bỏ những rào cản về mặt văn hóa và lịch sử ngăn cản nam, nữ người học bình đẳng tiếp cận và được hưởng lợi từ quá trình giáo dục

Ở nước ta hiện nay, việc tiếp tục tăng cường hoạt động bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy tiềm năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã quy định rõ các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, theo đó nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Luật Bình đẳng giới đưa ra ba nguyên tắc cụ thể áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như sau:

Thứ nhất, nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng. Nguyên tắc này xuất phát từ quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Điều 39 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Theo đó, nam, nữ được đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng khi có đáp ứng quy định về độ tuổi mà không có sự phân biệt về giới tính. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các văn bản pháp luật khác như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016. Hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trên cơ sở nhu cầu, đặc điểm và khả năng khác nhau của người học, họ có thể tham gia vào các cấp học, trình độ đào tạo khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi mà không có sự phân biệt về giới tính.

Thứ hai, nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo. Nguyên tắc này xuất phát từ quyền lựa chọn ngành, nghề, việc làm được quy định tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện về năng lực của thí sinh thể hiện qua điểm thi, không phân biệt giới tính của thí sinh ứng tuyển. Qua đó, nam, nữ đều có cơ hội ngang nhau trong việc lựa chọn học tập những ngành nghề, lĩnh lực phù hợp với sở thích, khả năng, năng khiếu của bản thân.

Thứ ba, nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, Luật Giáo dục năm 2019 không có quy định phân biệt về giới tính đối với các đối tượng được hưởng chính sách giáo dục. Đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động có quyền học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử. Đồng thời, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định nghiêm cấm hành vi “phân biệt đối xử về giới tính” đối với người lao động, trong đó có việc phân biệt đối xử về giới tính trong việc lựa chọn người lao động cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÂM ĐỒNG

Tính đến nay, toàn ngành có 21.378 CBQL, GV, NV, trong đó: CBQL: 1.548 người; GV: 17.710 người; NV: 2498 người. Trong đó nữ: 16.922 người chiếm 79,16%, nữ là người đồng bào dân tộc: 1.643 người. Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Mầm non đạt chuẩn: 95,3 %, trên chuẩn: 39,7%; Tiểu học đạt chuẩn: 99,8%, trên chuẩn: 31,6%; THCS đạt chuẩn: 99,8%, trên chuẩn: 78%; THPT đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn: 30%; TCCN đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn 5,2%; Cao đẳng đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn 40%.

Toàn ngành có 8.665 đảng viên, đạt tỷ lệ 37,81%. Đội ngũ CBQL, GV, NV cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các đơn vị, có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tuỵ với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng đã chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, quan tâm đề bạt cán bộ nữ vào các chức danh chủ chốt của ngành theo quy hoạch, trong từng cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm và nhận thức đúng đắn về đội ngũ cán bộ nữ, cơ bản không còn phân biệt nam, nữ trong việc lựa chọn, tiếp nhận, đề bạt cán bộ, quản lý lãnh đạo. Trong phân công, bố trí, sử dụng cán bộ nữ từng bước đã chú ý đến việc đảm bảo phù hợp với điều kiện đặc thù về giới nên đã phát huy tốt sự cống hiến của đội ngũ cán bộ nữ; quan tâm đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, quản lý nhà nước và phát triển đảng trong nữ nhà giáo và lao động.

+ Tổng số cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo 1.029/1.512 cán bộ quản lý (CBQL là người đồng bào dân tộc thiểu số: 42 người), lãnh đạo toàn ngành, chiếm tỷ lệ 65%, Trong đó :

+ Mầm non: 542/542 tỷ lệ 100%

+ Tiểu học: 320/512 tỷ lệ 62,5%

+ THCS: 119/363, tỷ lệ 32,7%

+ THPT: 48/176 tỷ lệ 27,20%

+ SGDĐT: 6/19 tỷ lệ 31,6%

- Ngành Giáo dục đã từng bước chú trọng đến đội ngũ trẻ, năng động, có triển vọng lâu dài để đưa vào kế họach đào tạo, bồi dưỡng hàng năm về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý ngành. Toàn ngành có 3 tiến sĩ nữ đang công tác trong ngành Giáo dục của tỉnh.

Nhìn chung, hầu hết CBQL nữ đều có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và năng lực quản lý tốt ngày càng đáp ứng yêu cầu trong công việc. Việc phân bổ cán bộ nữ khá đều và hợp lý ở các ngành học, bậc học,  phát huy được năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ.

- Ban VSTBPN ngành phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức tập huấn Luật Bình đẳng giới và các kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ quản lý nữ, cán bộ nữ công các PGDĐT, học sinh, sinh viên các trường và đơn vị trực thuộc Sở GDĐT. Các cơ sở giáo dục trong toàn ngành tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo, hội thi nhằm nâng cao nhận thức giới cho nữ CBNGLĐ; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở.  Tính đến nay, toàn ngành có trên 300 cán bộ quản lý, giáo viên, HSSV thuộc cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ làm công tác bình đẳng giới được tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới trong công tác quản lý, lãnh đạo và công tác giáo dục, hơn 15.000 học sinh, sinh viên các đơn vị trực thuộc đã được tập huấn, tuyên truyền về nhận thức giới, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

- Tổ chức các hoạt động thiết thực với chủ đề bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, như: Hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, các cuộc thi, giao lưu văn nghệ, thể thao, truyền thông qua trang thông tin điện tử của đơn vị và website Sở GDĐT, Công đoàn ngành, đồng thời triển khai có hiệu quả “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” với các chủ đề, thông điệp chung được Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phát động.

 KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

- Phong trào chưa đều khắp ở các vùng miền trong tỉnh. Nhiều nơi đã thành lập Ban VSTBPN cấp cơ sở nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.

- Hoạt động của Ban VSTBPN ngành chủ yếu là hoạt động lồng ghép nên hình thức, nội dung chưa phong phú, chưa đi vào chiều sâu, kinh phí hoạt động ở cơ sở không có, kinh phí hoạt động ở cấp ngành rất hạn hẹp. Các thành viên trong Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành, ngoài công việc chuyên môn còn phải kiêm nhiệm quá nhiều công tác khác nên không có điều kiện chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở mà chủ yếu là phối hợp với Ban nữ công Công đoàn ngành.

- Số chị em làm công tác chỉ đạo họat động VSTBPN ở cơ sở chưa được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, không được tham quan giao lưu học tập kinh nghiệm ở các tỉnh. Chế độ phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm từ ngành đến cơ sở không có nên chưa thu hút được cán bộ có tâm huyết gắn bó lâu dài với phong trào.

- Tỷ lệ nữ được cử tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính thấp hơn nhiều so với nam giới.

- Trong công tác tổ chức, cán bộ, việc quy hoạch các chức vụ lãnh đạo cũng đã chú trọng tỷ lệ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ được quy hoạch vẫn thấp hơn so nam giới.

- Một số phụ nữ tự thu mình lại, đức hy sinh vì gia đình, sự cam chịu của người phụ nữ trong gia đình có ảnh hưởng nhiều đế sự đầu tư cho công việc xã hội. Vì thế vai trò và năng lực của người phụ nữ chưa được đánh giá cao trong công việc.

NHỮNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG GIÁO DỤC

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, giáo viên về bình đẳng giới.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho cán bộ, giáo viên phụ trách công tác bình đẳng giới và VSTBPN các đơn vị trong toàn ngành.

- Tổ chức tập huấn công tác truyền thông bình đẳng giới cho cán bộ, giáo viên làm trong Ban VSTBPN của các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các cuộc thi, hội thi cho học sinh các cấp học tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, các nội dung về giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường…

- Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các cơ sở giáo dục theo tiêu chí: có lòng yêu nước; có sức khoẻ; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nữ cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước”.

- Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển bề vững và hội nhập quốc tế.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị với hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và học sinh, sinh viên.

- Tuyên truyền giới thiệu các mô hình tiêu biểu, nhân rộng những điển hình tốt, người có uy tín, ảnh hưởng tích cực trong các đơn vị, trường học và cộng đồng, thu hút sự tham gia của nam giới, trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới.

Bình đẳng giới trong giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai và có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, việc thực hiện các kế hoạch hành động về bình đẳng giới trong giáo dục nói chung và trong ngành Giáo dục Lâm Đồng nói riêng là hết sức cần thiết, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chung về bình đẳng giới là thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước và bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp học, trình độ đào tạo và các cấp quản lý giáo dục nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh.