(LĐ online) - Sự phát triển của Internet đã đem lại cho học sinh những lợi ích to lớn trong việc tiếp nhận thông tin, kiến thức phục vụ học tập, giải trí; là môi trường để học sinh kết nối, giao tiếp và chia sẻ một cách dễ dàng.
Ảnh: Internet |
Internet chứa đựng một kho kiến thức khổng lồ giúp học sinh tìm kiếm được thông tin phục vụ việc học tập. Internet đem đến cho học sinh sự thuận lợi trong việc tiếp cận những tài liệu thích hợp, bài giải, hình ảnh, cũng như cung cấp kênh kết nối, trao đổi để có thể học tập tốt hơn. Internet giúp học sinh thư giãn và giải trí thông qua các kênh nghe nhạc, xem video... Sau những giờ học mệt mỏi, học sinh thường cảm thấy căng thẳng, với các kênh nghe nhạc, xem video trực tuyến, học sinh sẽ có được sự thư giãn và giải trí tối đa. Qua đó, trở lại với việc học tập tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, thì việc học sinh sử dụng trang cá nhân, truy cập Internet diễn ra phổ biến và ngày càng tăng. Việc sử dụng trang cá nhân trên mạng xã hội đối với nhiều học sinh đã trở thành thói quen, thấm chí gây “nghiện”.
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh sử dụng trang mạng cá nhân và mạng xã hội để tạo ra hiệu ứng tốt cho quá trình học tập của bản thân như giao lưu, trò chuyện, kết bạn với bạn bè cùng trang lứa, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ kỹ năng sống, khai thác tư liệu phục vụ học tập và học trực tuyến... Các em đã tỏ ra thuần thục và có những kỹ năng cơ bản khi sử dụng mạng xã hội với mục đích đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân.
Bên cạnh những hiệu quả không thể phủ nhận thì Internet, mạng xã hội cũng đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến học sinh. Với tâm lý tò mò, thiếu kinh nghiệm sống và chưa đủ nhận thức xã hội, học sinh là đối tượng dễ bị lợi dụng, lừa đảo, bị tiêm nhiễm những thông tin xấu, độc hại.
Ngoài ra, môi trường Internet còn dễ đẩy học sinh đến với các thói quen xấu như nghiện Internet, nghiện game online, trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả học tập, sự phát triển thể chất, tinh thần và các mối quan hệ trong gia đình, xã hội. Điều này đã khiến cho nhiều phụ huynh lo ngại, e dè khi cho con mình sử dụng Internet, mạng xã hội.
Theo Sách trắng Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2020: Năm 2019 Việt Nam có hơn 66,2 triệu người dùng Internet, chiếm 68,7% dân số. Khi tham gia vào môi trường mạng, không chỉ người dùng nói chung mà đặc biệt là học sinh có nhiều lợi ích nhưng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Điều này thể hiện ở thực trạng mỗi ngày có tới hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, hầu hết về bạo lực, xâm hại tình dục. Cứ 4 trẻ em được hỏi thì có 1 em chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng xã hội. Trẻ em gái bị bắt nạt trên môi trường mạng cao gấp 3 lần trẻ em trai.
Các hành vi xâm hại trẻ em, học sinh trên môi trường mạng đáng phải lưu ý như: Kẻ xấu thực hiện những hành vi xâm hại tình dục bằng nhiều hình thức (lập phòng chát ảo, thiết lập hoặc tham gia các trang web, diễn đàn gạ gẫm, tán tỉnh, làm quen, lôi kéo trẻ em tham gia vào các quan hệ tình dục trực tiếp hoặc không trực tiếp; yêu cầu trẻ em phô bày các bộ phận kín trên cơ thể rồi phát livestream, thu thập hình ảnh về cơ thể trẻ em và sử dụng nhằm xâm hại tình dục...).
Không chỉ vậy, các em cũng có nguy cơ tiếp xúc với những video, hình ảnh khiêu dâm hay những thông tin sai lệch; không ít trẻ em vô tình tiết lộ thông tin cá nhân, bị dọa nạt, tống tiền, ép quan hệ tình dục, tham gia các hoạt động phi pháp, thậm chí có em phải đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, buôn bán người...
Trên thực tế, không ít học sinh đã coi mạng xã hội, trang facebook cá nhân như một phương tiện để giải trí, giết thời gian, tán ngẫu và thể hiện các hành vi xấu của mình. Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc xảy ra ở các trường phổ thông chủ yếu liên quan đến mạng xã hội, điển hình như bạo lực học đường. Từ việc quen biết trên mạng, lời qua tiếng lại trên thế giới ảo rồi dẫn đến ẩu đả ngoài thế giới thực. Rồi tình trạng sống ảo, a dua, đua đòi và lối sống thiên về hưởng thụ đã xuất hiện nhiều ở giới trẻ, trong đó có rất nhiều học sinh.
Có những em học sinh đã mất đi những kỹ năng cơ bản, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn mực, kỹ năng ứng xử. Nguy hiểm hơn là những hành vi xấu đã và đang ngày càng ăn sâu vào giới trẻ, khiến các em ngày càng lệ thuộc vào thế giới ảo, sống không có định hướng, không mục đích, thậm chí tỏ ra chán cuộc đời thực, không tin vào bản thân.
Nhiều học sinh còn coi mạng xã hội là phương tiện, là không gian để chống đối lại bố mẹ, thầy cô khi mình mắc lỗi, bị bố mẹ và thầy cô nhắc nhở. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng học tập sa sút, vi phạm nội quy, đạo đức bị xuống cấp nghiêm trọng.
Để tăng cường giáo dục ý thức sử dụng mạng xã hội cho học sinh, mỗi nhà trường cần tuyên truyền, quán triệt và phổ biến đến học sinh lợi ích và tác hại, tính hai mặt của việc sử dụng mạng xã hội để mỗi em có những định hướng đúng đắn khi sử dụng. Đồng thời, cần tổ chức các buổi ngoại khóa để tập huấn về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, kỹ năng sử dụng tiếng Việt trên mạng xã hội, kỹ năng bảo vệ mình trên thế giới ảo... trong những hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, để mỗi học sinh trang bị những kỹ năng cần thiết khi bước vào không gian mạng.
Cần tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để tạo ra một môi trường hoạt động lành mạnh, bổ ích, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội hòa mình với cuộc sống sinh động và phong phú, giảm nguy cơ sống ảo và chìm đắm trong thế giới ảo. Tăng cường tư vấn tâm lý cho học sinh khi gặp những vấn đề trên mạng xã hội và tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ học sinh trên môi trường mạng. Việc giáo dục ý thức sử dụng mạng xã hội của học sinh rất cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội.
Việc sử dụng các trang mạng xã hội đúng mục đích, theo đúng quy định của pháp luật sẽ giúp cho học sinh khai thác hiệu quả tư liệu phục vụ học tập, ngược lại cũng sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, cần thường xuyên giáo dục ý thức sử dụng MXH cho học sinh với những kỹ năng cần thiết và hiệu quả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin