Tìm giải pháp gỡ khó cho người dân xâm canh

NGỌC NGÀ 11:13, 29/06/2023

(LĐ online) - Việc hàng trăm hộ dân thuộc huyện Đam Rông xâm canh từ hàng chục năm qua tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông gây nhiều khó khăn cho cả  chính quyền các địa phương và người dân.

Đại diện lãnh đạo hai huyện Đam Rông và Đắk Glong ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Đại diện lãnh đạo hai huyện Đam Rông và Đắk Glong ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

KHÓ KHĂN CHO CÁC BÊN

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Đam Rông, hiện nay tổng số hộ dân đang sinh sống và canh tác tại khu vực xã Đắk Som, huyện Đắk Glong là 600 hộ/2,712 khẩu (trong đó xã Đạ K’Nàng là 373hộ/1.648 khẩu, xã Phi Liêng là 227hộ/1.064 khẩu). Tổng số diện tích đất các hộ dân thuộc hai xã trên đang sinh sống và canh tác tại khu vực xã Đắk Som là 1.502 ha. Trên phần đất này người dân chủ yếu sản xuất cà phê. Hiện, một số hộ dân đã chuyển đổi sang trồng mắc ca, bơ, dổi và trồng dâu, nuôi tằm.

Đa số các hộ dân đang sinh sống và canh tác là người dân tộc Dao di cư từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn vào sinh sống, canh tác từ năm 1995 và một số hộ người dân tộc K’Ho di cư từ huyện Di Linh vào lập nghiệp từ trước năm 1990. Cộng đồng dân cư này được hình thành, sinh sống và canh tác ổn định.

Theo ông Nguyễn Bá Nhân - Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng, việc người dân tỉnh Lâm Đồng xâm canh, sinh sống trên phần đất của tỉnh Đắk Nông đang gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong việc quản lí dân cư, chăm lo đời sống cho người dân. Đơn cử như công tác quản lí nhân hộ khẩu, xác nhận nhà ở hợp pháp. Hay khi người dân của xã xảy ra sự việc vi phạm pháp luật, tranh chấp đất đai, gây rối trật tự công cộng… phải nhờ đến chính quyền xã Đắk Som, huyện Đắk Glong giải quyết. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn những vấn đề về an ninh trật tự khi có tội phạm lẩn trốn và gây ra hậu quả khó lường.

Do sinh sống lâu đời nên người dân ở các khu vực này đã xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang. Theo người dân tại khu vực này, quá trình xây dựng không nhận được ý kiến gì từ cơ quan chức năng, nhưng khi tìm đến chính quyền xã Đạ K’Nàng để xin được cấp sổ đỏ thì chính quyền thông báo họ không giải quyết vì phần đất này thuộc về tỉnh Đắk Nông. Điều này rất khó khăn cho người dân khi muốn vay vốn kinh doanh, xác nhận giấy tờ tùy thân…

Chính quyền huyện Đắk Glong thông tin thêm, do người dân sinh sống và canh tác ổn định nhiều năm, xây dựng nhà cửa kiên cố, phát triển kinh tế ổn định nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã hạn chế quyền sử dụng cũng như không được thế chấp để vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương.

Mặc dù địa giới hành chính thuộc tỉnh Đắk Nông quản lí, song người dân lại thuộc huyện Đam Rông nên những năm qua, huyện Đam Rông đã xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như: kéo điện để 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, xây dựng 2 điểm trường (1 điểm trường mầm non và 1 điểm trường tiểu học); 2 hội trường thôn (tại thôn Păng Dung và thôn Đạ Pin); 2 công trình đường giao thông do xã làm chủ đầu tư và 3 công trình đường giao thông do huyện làm chủ đầu tư…. tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, trao đổi hàng hoá, ổn định cuộc sống. Thời gian qua, UBND huyện Đam Rông cũng đã chỉ đạo Công an huyện hướng dẫn việc đăng ký thường trú, tạm trú cho các hộ dân; thường xuyên kiểm tra công tác đăng ký, quản lý cư trú đối với người dân; chủ động phối hợp với Công an huyện Đắk Glong bảo đảm an ninh trật tự an trên địa bàn.

Mặc dù hai địa phương Đam Rông và Đắk Glong đã phối hợp thực hiện nhiều nội dung song vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra tại khu vực này, nhất là việc tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự.

Hiện có 600 hộ dân huyện Đam Rông đang xâm canh trên địa giới hành chính thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông (ảnh Phan Tuấn)
Hiện có 600 hộ dân huyện Đam Rông đang xâm canh trên địa giới hành chính thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông. Ảnh Phan Tuấn

TIẾP TỤC TÌM GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Trước tình hình khó khăn trong việc quản lý nhà nước của các địa phương 2 tỉnh, ngày 23/01/2013, UBND tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp để thống nhất biện pháp quản lý tình hình dân cư tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Lâm Đồng. Ngày 28/3/2013, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông đã ban hành Tờ trình số 65 gửi UBND tỉnh về việc đề nghị xin chủ trương điều chỉnh một phần địa giới hành chính tỉnh Đắk Nông sang tỉnh Lâm Đồng quản lý. Tuy nhiên, đến ngày 01/6/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Công văn số 885  trong đó, đề nghị tạm thời dừng việc xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh ở địa phương.

Hiện nay, lãnh đạo hai huyện Đam Rông và Đắk Glong đều có những đề xuất, kiến nghị, trong đó, trước mắt, 2 huyện ban hành quy chế phối hợp chung.

Về lâu dài đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh phần địa giới hành chính khu vực xâm canh, xâm cư tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông giáp ranh với xã Đạ K’Nàng, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông về tỉnh Lâm Đồng để thuận tiện cho công tác quản lý lâu dài giữa 2 tỉnh. Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa diện tích đất các hộ dân đang sinh sống, canh tác tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong giáp ranh với xã Đạ K’Nàng và xã Phi Liêng huyện Đam Rông đã được người dân canh tác ổn định vào quy hoạch đất ở, đất nông nghiệp tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm canh tác, ổn định đời sống. Đối với các hộ dân đang sinh sống, canh tác tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đề nghị tiếp tục được sử dụng thông tin cá nhân như (sổ hộ khẩu, căn cước công dân) đã đăng ký tại xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng để thuận tiện giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương và việc học tập của học sinh tại khu vực xâm canh…