Trước năm 1990 của thế kỉ XX, gia đình tôi ở Ba Vì - Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ngày ấy, sách, báo rất hiếm hoi, Ba Vì quê tôi có một thư viện đặt ở trung tâm huyện, tôi rất muốn đọc nhưng không có thời gian vì hết giờ làm việc ở cơ quan phải về nhà đi phụ hồ kiếm thêm thu nhập, ngày ấy, thời bao cấp cả nước khó khăn. Chú ruột tôi là công an ở huyện, chú có tờ Báo Nhân Dân và tờ Báo Hà Tây đem về nhà thì đến ba chục đứa cháu họ hàng nội, ngoại - trong đó có tôi - tranh nhau đọc, tôi không bỏ sót một chữ nào.
Nhà văn Nguyễn Thanh Hương |
Cuối năm 1990, gia đình tôi vào lập nghiệp tại thị trấn huyện Đạ Tẻh. Phòng Văn hóa - nơi tôi công tác thường xuyên có Báo Nhân Dân và Báo Lâm Đồng, tôi đọc hết, không bỏ một chuyên mục hoặc tin ngắn nào. Và tôi nghĩ, có thể mình cũng viết được. Rồi tôi tập viết. Vào tháng 5 năm 1991, tôi thử kiểm tra chất lượng tin, bài của mình bằng việc gửi lên Báo Lâm Đồng. Và được đăng ngay hai tin và một bài trong một tuần.
Lúc ấy, bác Phạm Vĩnh là Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng, bác viết thư động viên tôi. Tôi vui lắm, tiếp tục viết về những hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương Đạ Tẻh.
Từ đó đến nay là 32 năm, qua các anh chị Tổng Biên tập của Báo là bác Phạm Vĩnh, anh Nguyễn Thanh Đạm, anh Nguyễn Văn Hương và chị Hồ Thị Lan, tôi vẫn viết và gửi.
Khi Báo Lâm Đồng số cuối tuần có chuyên trang văn nghệ (thơ, truyện ngắn, tản văn) tôi cũng thử sức viết truyện ngắn vào đầu năm 2005 và cũng được báo đăng tải.
Công tác ở Phòng Văn hóa huyện Đạ Tẻh, tôi thường được cử đi cơ sở thôn, xã để xây dựng phong trào văn hóa quần chúng. Tiếp xúc với cán bộ và Nhân dân địa phương, tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích cho nghiệp viết. Thoắt đấy mà đã hơn ba mươi năm, trong tủ sách cá nhân của tôi lưu giữ hơn hai trăm số Báo Lâm Đồng có đăng tin, bài và truyện ngắn của tôi.
Một trong những kỷ niệm không thể quên là khi Báo Lâm Đồng tổ chức kỷ niệm 15 năm ra số đầu tiên (1992) rồi 20 năm (1997), 25 năm (2002), 30 năm (2007), 35 năm (2012) và 40 năm (2017) tôi đều được mời dự và đều được Báo tặng quà lưu niệm.
Chốt lại, tôi xin khẳng định, nhờ Báo Lâm Đồng và một số tờ báo khác mà tôi biết được nhiều thông tin quý giá, có thêm hiểu biết. Có bậc hiền triết nào đó đã nói đại ý rằng: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Nghĩa là: Hỏi người lớn tuổi, hỏi người có chuyên môn. Học - học ở sách vở, báo chí, ở quần chúng Nhân dân, ở nhà trường, ở bạn bè. Và cũng từ Báo Lâm Đồng, tôi đã được hết nạp và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012.
Sách, báo là thầy ta và cũng là bạn ta. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin chân thành chúc các thành viên Ban Biên tập, các phóng viên và cán bộ, viên chức, người lao động của Báo luôn mạnh khỏe, bình an.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin