(LĐ online) - Những ngày qua, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn và phần lớn các địa phương trong tỉnh có địa hình đồi núi, độ dốc lớn, nhiều khu vực kết cấu địa chất không ổn định gây nguy cơ sạt lở đất, và ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình, tài sản và tính mạng người dân, và thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trường hợp thương vong do sạt trượt mái taluy, sạt trượt đất, gây mất an toàn lao động, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, dự án trong thời gian qua.
Một đoạn công trường Dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn vừa xảy ra sạt trượt ta luy khiến 2 công nhân tử vong |
Trước tình hình đó, để kịp thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó hiệu quả tình hình thiên tai gây nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và đảm bảo an toàn lao động, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, đặc biệt là trong mùa mưa bão năm 2023; chiều 18/6, UBND tỉnh đã có văn bản hoả tốc gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 274/CĐ-UBND ngày 11/01/2023 về kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn lao động và cứu hộ cứu nạn trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng các công trình, dự án (bao gồm dự án sử dụng vốn ngân sách và ngoài ngân sách) khẩn trương rà soát, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động theo quy định, nhất là các dự án, công trình thi công tại các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, thi công mái taluy đứng, có độ dốc lớn,... tuyệt đối không được chủ quan và không để xảy ra tai nạn lao động, ảnh hưởng đến tính mạng của người lao động trong công trình và người dân.
Tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các công trình, dự án đang trong quá trình thi công (công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi....) và các khu vực dân cư sinh sống tại các khu vực đồi dốc, ta luy có nguy cơ sạt lở cao, khu vực trũng thấp,… thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình; đặc biệt là các công trình đang thi công phần móng, mái bạt taluy có nguy cơ sạt trượt, mất an toàn trong quá trình thi công (các vị trí sườn dốc, mái taluy đào lớn, nền đắp cao, kè chắn, móng cọc...) để yêu cầu các cơ quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, thi công theo đúng bản vẽ thiết kể và chất lượng công trình, phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, thực hiện biện pháp cảnh báo, có phương án di dời dân ra khỏi khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt (nhất là các công trình trên sườn dốc, dọc bờ sông, suối...) khi cần thiết.
Kịp thời phát hiện, yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công dừng thi công xây dựng công trình, dự án có nguy cơ gây mất an toàn lao động hoặc trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công không thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn lao động theo quy định; xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn trong thi công xây dựng; giám sát các biện pháp đảm bảo an toàn đối với máy móc thiết bị, công trình lân cận, công tác quan trắc công trình đối với các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn.
Rà soát toàn bộ các khu vực đất dốc, khu vực có độ chênh taluy âm - dương cao, khu vực trũng thấp mà hộ dân đang sinh sống, sản xuất để cảnh báo người dân chủ động đề phòng hoặc di dời ra các khu vực an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện nghiêm việc kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với thiết kế biện pháp thi công đã được phê duyệt, nhất là biện pháp thi công đối với các công trình trên sườn dốc có nguy cơ sạt trượt cao.
Các nhà thầu thi công tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, quản lý công trường xây dựng theo đúng quy định; lập và trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định; trong đó, có biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao trong quá trình thi công; thường xuyên rà soát kế hoạch tổng hợp về an toàn, biện pháp đảm bảo an toàn và đề xuất điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế thi công xây dựng. Thiết bị, máy móc thi công đưa vào công trình phải được kiểm định kỹ thuật, đủ điều kiện sử dụng theo quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tuyệt đối không để xảy ra sự cố máy móc trong quá trình thi công gây ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người lao động.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý an toàn lao động tại các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình từ khâu thiết kế, thi công và giám sát thi công công trình; bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, không để gây nguy hiểm đến tính mạng, hạn chế gây hại đến sức khỏe người lao động và nhân dân. Kịp thời phát hiện những trường hợp không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động trong công trình xây dựng hoặc cố ý sai phạm để chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin