Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, hướng tới bao phủ BHYT toàn dân.
BHXH Lâm Đồng tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn |
Việc tham gia BHYT hộ gia đình không chỉ giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, giảm gánh nặng tài chính khi ốm đau, bệnh tật mà đây còn là một bước đệm quan trọng để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Từ ngày 1/7/2023, thực hiện Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức đóng BHYT hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở. Vì vậy, khi mức lương cơ sở tăng lên 1.800.000 đồng/tháng theo Nghị định 24, mức đóng BHYT hộ gia đình cũng sẽ tăng theo.
Cụ thể: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (hiện nay là 972.000 đồng/năm); người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, tương ứng với mức đóng lần lượt là: 680.400 đồng/năm, 583.200 đồng/năm, 486.000 đồng/năm; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (hiện nay là 388.800 đồng/năm). Việc giảm trừ mức đóng BHYT như trên được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Quy định tham gia BHYT hộ gia đình không bắt buộc cả hộ gia đình đóng tiền cùng một thời điểm mà có thể mua nhiều lần trong năm tài chính vẫn được giảm trừ mức phí từ thành viên thứ hai trở đi. Người tham gia BHYT được lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần... Những điều này sẽ phần nào giảm gánh nặng tham gia BHYT cho nhiều hộ gia đình khó khăn.
Có thể thấy, BHYT đã và đang mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia. Đối với những người lao động tự do có kinh tế khó khăn, không có thu nhập ổn định, khi không may bị bệnh, tai nạn thì tiền viện phí là cả một vấn đề lớn, nếu có tham gia BHYT sẽ đỡ bớt gánh nặng. Mặt khác, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình còn từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh, mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau, mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân. |
Ông Đa Cát Y Thom (thôn Păng Pế Đơng, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông) chia sẻ: “Đối với gia đình tôi đã tham gia BHYT thì chắc chắn không thể chỉ một mình được, mà phải mua cho cả nhà để khi ai ốm đau, có bệnh đi bệnh viện khám thì có thẻ BHYT chi phí sẽ giảm được rất nhiều. Nhờ vậy mà mình yên tâm để chữa bệnh, người nhà lại làm được việc khác nữa, không phải lo lắng nhiều”.
Tham gia BHYT là hình thức “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”. Điều này thể hiện rất rõ trong quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục. Khi tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, hiện nay là 10.800.000 đồng (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến), người dân sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho các lần khám, chữa bệnh tiếp theo trong năm.
Tại tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều các trường hợp được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh cao. Theo thống kê của BHXH Lâm Đồng, một số trường hợp về khám, chữa bệnh BHYT có chi phí lớn trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 được BHYT thanh toán trên 100 triệu đồng như: Bệnh nhân Nguyễn Ph. (TP Đà Lạt) hơn 152 triệu đồng; bệnh nhân Nguyễn Ngọc Gi. (Đơn Dương) hơn 143 triệu đồng; bệnh nhân Phạm Minh Đ. (Đà Lạt) 143 triệu đồng; bệnh nhân Lương Ph. (Đức Trọng) hơn 138 triệu đồng; bệnh nhân K’Tani (Đức Trọng) gần 130 triệu đồng; bệnh nhân Lê Mạnh H. (Lâm Hà) hơn 128 triệu đồng; bệnh nhân Nguyễn Văn C. (Lâm Hà) được BHYT thanh toán gần 127 triệu đồng...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.162.548 người tham gia BHYT, đạt 93,65% kế hoạch năm. Tổng số người đã được cấp thẻ BHYT đang còn giá trị sử dụng trong toàn tỉnh đến hết tháng 6/2023 là 1.176.534 người (đã bao gồm lực lượng vũ trang), chiếm 87,47% dân số của tỉnh.
Tổng số lượt người khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh là 889.225 lượt người với tổng số tiền chi từ Quỹ BHYT là hơn 343 tỷ đồng.
Ông Đậu Tú Lan - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế Lâm Đồng triển khai sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong khám, chữa bệnh BHYT. Đến nay, có 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT áp dụng CCCD thay cho thẻ BHYT giấy với trên 554.000 lượt tra cứu thành công, chiếm 58% số lượt người khám, chữa bệnh BHYT. Việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân và cơ sở khám chữa bệnh. Áp dụng thẻ CCCD vào khám, chữa bệnh BHYT, cả người dân và nhân viên y tế đều tiết kiệm được nhiều thời gian, thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân khám, chữa bệnh BHYT”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin