(LĐ online) - Ngày 4/7, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Theo đó, để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng. Trong đó, tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, sát với tình tình thực tế và thực sự hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Văn bản số 2728-CV/TU ngày 29/6/2023 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Công điện: số 274/CĐ-UBND ngày 11/01/2023, số 5456/CĐ ngày 23/6/2023, số 3517/CĐ-UBND ngày 20/4/2023 và các Văn bản: số 3500/UBND-GT ngày 19/4/2023, số 4801/UBND-GT ngày 01/6/2023, số 5269/UBND-GT ngày 18/6/2023, số 5623/UBND-XD ngày 29/6/2023, 5672/UBND-GT ngày 30/6/2023, số 5681/UBND-GT ngày 30/6/2023, số 5670/UBND-GT ngày 30/6/2023.
Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trọng công tác PCTT-TKCN; chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đối với kết quả thực hiện công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối để hạn chế xảy ra sạt lở; bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng để phục vụ cho các công trình dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, nông nghiệp; trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để xảy ra sạt lở thì yêu cầu tổ chức, cá nhân đó tự bỏ kinh phí để khắc phục; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn đối với toàn bộ các công trình đang xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc, khu vực có độ chênh taluy âm/dương lớn; kiên quyết đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.
Kiểm tra, rà soát công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sự cố sạt lở; nghiên cứu đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng ngập cục bộ tại các đô thị, khu dân cư khi mưa lớn (nhất là địa bàn thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc).
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, khu vực sườn dốc, khu vực có độ chênh taluy âm/dương lớn để kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dẫn và cơ sở hạ tầng; đồng thời, chuẩn bị phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.
Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng (nhà cửa, công trình) ven sông, suối, sườn dốc, khu vực có độ chênh taluy âm/dương lớn... nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, giảm nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở; đồng thời, chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn.
Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động các nguồn lực hợp pháp khác tại địa phương để xử lý ngay các điểm mất an toàn, có nguy cơ sạt lở cao; đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình không phép, trái phép theo quy định của pháp luật (nhất là các công trình lấn chiếm bờ sông, lòng suối, kênh mương thoát nước; các công trình xây dựng trên sườn dốc, khu vực có độ chênh taluy âm/dương lớn, vùng trũng thấp); kiên quyết giải tỏa đối với các trường hợp vi phạm, tổ chức cưỡng chế giải tỏa (khi cần thiết) để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão.
Sở Công thương chỉ đạo các Công ty Thủy điện và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để phòng, chống sạt lở nhằm bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hệ thống cung cấp, truyền tải điện, công trình thủy điện...
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng tăng thời lượng tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, ứng phó thiên tai và kịp thời cập nhật, thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo về thiên tai cho người dân biết, chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập lụt, ngập cục bộ.. do mưa bão.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và cấp huyện thường xuyên, liên tục, cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, sự cố, thiên tai, sạt lở trên địa bàn để chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở theo chức năng nhiệm vụ được giao; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo, điều phối và phối hợp triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn bảo đảm kịp thời, hiệu quả (khi có tình huống sự cố xảy ra).
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp uỷ Đảng, các Huyện ủy, Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở tích cực tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nêu trên; đồng thời, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Huyện ủy chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đối với kết quả thực hiện công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai tại địa phương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin