(LĐ online) - Chiều 10/7, huyện Di Linh tổ chức lấy ý kiến về điều chỉnh, bổ sung đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Các đồng chí: Đinh Văn Tuấn – Bí thư Huyện ủy; Trần Đức Công – Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể đã tham dự.
Việc quy hoạch phát triển vùng nhằm đưa Di Linh trở thành vùng kinh tế động lực, là trung tâm tiểu vùng 2 của tỉnh, bao gồm huyện Di Linh, Đam Rông và phía Tây huyện Lâm Hà |
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh là điều kiện cần thiết UBND huyện và các ban ngành thống nhất về các định hướng lớn phát triển không gian chính như các đô thị, khu dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của vùng huyện. Đồng thời khai thác được tiềm năng sẵn có trong vùng nhằm thúc đẩy kinh tế, tạo điều kiện sống tốt cho người dân, góp phần duy trì sự phát triển bền vững, hài hòa.
Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 do UBND huyện Di Linh làm chủ đầu tư; đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Tổng hợp.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng, do đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh triển khai song song với quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, một số chỉ tiêu về phát triển đô thị, khu chức năng, nông thôn đã được cập nhật. Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh là đồ án cấp dưới nhưng chưa đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quy hoạch tỉnh Lâm Đồng (đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch Quốc gia thẩm định, chưa phê duyệt); ngoài ra, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và nhiệm vụ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, cần được rà soát theo tinh thần văn bản số 2309/BXD-QHKT ngày 05/6/2023 của Bộ Xây dựng để tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch và các cấp độ quy hoạch xây dựng. Số liệu, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các khu chức năng đề xuất không đồng bộ giữa các tài liệu về tờ trình, nghị quyết HĐND huyện Di Linh với hồ sơ quy hoạch; các khu quy hoạch có sử dụng đất lớn quy mô trên 500 ha để thu hút đầu tư phát triển các dự án khu, điểm du lịch, dịch vụ, các khu chức năng hỗn hợp trên quỹ đất nông dân đang sản xuất nông nghiệp, nhưng chưa có sự đánh giá hệ lụy về mặt giải quyết chuyển đổi nghề nghiệp, đất đai... và các hệ lụy về mặt xã hội khác khi triển khai thực hiện quy hoạch.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương liên quan đã cho ý kiến về các vấn đề như: căn cứ pháp lý; thành phần hồ sơ, tỷ lệ bản vẽ; số liệu hiện trạng; tính chất; dự báo dân số, đất xây dựng đô thị, nông thôn và tỷ lệ đô thị hóa; phát triển đô thị; hệ thống điểm dân cư nông thôn; định hướng phát triển du lịch. Trên cơ sở đó để hoàn thiện đồ án quy hoạch theo hướng tiếp cận đa ngành như: quy hoạch định hướng hệ thống khung hạ tầng chiến lược; định hướng phát triển đô thị và dân cư nông thôn; các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch và phát triển các cụm công nghiệp…, nhằm phục vụ định hướng phát triển của huyện trong giai đoạn quy hoạch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin