Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia

LÊ HOA 18:21, 20/07/2023

(LĐ online) - Ngày 20/7/2023, tại Bình Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị tại Bình Định
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị tại Bình Định

Điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tham dự và chủ trì; cùng các thành viên Ban chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày: Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 39.019 tỷ đồng cho các địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên để thực hiện 3 CTMTQG (chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 CTMTQG trong cả nước). Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương.

Riêng trong năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện 3 CTMTQG cho vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên hơn 17.820 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho cả nước. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 9.482 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 8.338 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong vùng đã phân bố hơn 7.935 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 83,68%. Tuy nhiên, về tình hình giải ngân, đến hết ngày 30.6.2023, vốn giải ngân 3 chương trình của các địa phương trong vùng hơn 2.055 tỷ đồng, đạt 21,67% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 6,53% so với trung bình cả nước (khoảng 28,2%).

Các địa phương đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn. Nhờ vậy, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các vùng bình quân đạt 3,81%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung giảm từ 12,02% còn 10,04%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng Tây Nguyên giảm từ 17,52% còn 15,39%. Toàn vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên có 1.922 xã/2.751 xã (chiếm 69,86%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,86% so với đầu giai đoạn).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tham dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tham dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

Nhiều địa phương khẳng định gặp lúng túng trong thực hiện các CTMTQG, đề xuất bồi dưỡng năng lực cộng đồng đối với chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…; chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương còn hạn chế, thiếu chiều sâu gây khó khăn cho công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình; chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ để khích lệ, động viên cán bộ nên vấn đề tham mưu thực hiện các chương trình chưa cao… Bên cạnh đó, năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình ở các địa phương chưa đồng đều, một số nơi gặp khó khăn khi triển khai các nội dung như: Giao xã làm chủ đầu tư, cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo…

Đánh giá về kết quả thực hiện các CTMTQG, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cho biết:  Kết quả triển khai các CTMTQG chưa được tốt, khu vực này (các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên) thấp hơn các khu  vực khác và chưa có dấu hiệu phát triển. Việc lo cho đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến vấn đề an ninh và tiềm ẩn nhiều điều không mong muốn. Yêu cầu của các địa phương là nguồn đất sản xuất cho bà con. Nhưng đất ở đâu? Nguồn đất công mà chính quyền các cấp đang quản lý hay từ các nông trường, lâm trường…? Có thể lấy từ đất rừng sản xuất hay đất rừng nghèo kiệt - nhưng có phù hợp để sản xuất? Phải giải quyết vấn đề thực tế khác là bà con sẽ bán đất sang tay ngay khi chưa có sổ đỏ…? 

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải nhìn nhận ở 2 góc độ: Đất giao cho bà còn phải kiểm soát được và không cho phép sang nhượng, kể cả sang tay; chủ động xử lý khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực vào đầu năm nay… Chính phủ cũng ra văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện 3 CTMTQG…

Tại tỉnh Lâm Đồng, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện các CTMTQG, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo… đã có sự thay đổi rõ rệt, cụ thể như: cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, riêng hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 92% (tăng 2% so với năm 2020), tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá là 91% (tăng 0,5%); toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
 
Tổng số vốn bố trí thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là trên 1.527,4 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương là 886,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 640,5 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến nay đạt 53% kế hoạch.
 
Riêng năm 2023, tổng kế hoạch vốn bố trí năm 2023 là 965,1 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến nay là 263,7 tỷ đồng, đạt 27,3% kế hoạch.