KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929-28/7/2023):
Phát huy vai trò Công đoàn trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

HOÀNG LIÊN 05:16, 28/07/2023

Ngày 28/7/1929, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được thành lập. Trải qua 94 năm hình thành và phát triển, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, tập hợp, đoàn kết công nhân, người lao động luôn đồng hành cùng sự phát triển đất nước. 

Phát huy quyền dân chủ của đoàn viên, CNVCLĐ
Phát huy quyền dân chủ của đoàn viên, CNVCLĐ

Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và phát triển bền vững.

ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN QCDC

Hiện nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quản lý 16 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với 65.545 đoàn viên, trên tổng số hơn 70 ngàn công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) đang sinh hoạt tại 1.496 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 1.097 CĐCS cơ quan hành chính sự nghiệp và 399 CĐCS doanh nghiệp. 

Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động tham gia và phối hợp với chính quyền, chuyên môn, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy tốt dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đối với việc tham gia xây dựng và thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, hằng năm, 100% CĐCS tham gia với thủ trưởng cơ quan, đơn vị rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định nội bộ của cơ quan, đơn vị như: quy chế thực hiện dân chủ; quy chế làm việc; quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế phối hợp giữa thủ trưởng cơ quan, đơn vị với ban chấp hành CĐCS; quy định về khen thưởng, sử dụng quỹ phúc lợi... Tổ chức cho CNVCLĐ tham gia góp ý vào dự thảo các quy chế, quy định nội bộ; tổng hợp ý kiến để trao đổi với thủ trưởng cơ quan, đơn vị trước khi đưa ra xin ý kiến tại hội nghị cán bộ công chức, viên chức. 
Còn trong tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở các doanh nghiệp, căn cứ quy định pháp luật, các CĐCS doanh nghiệp chủ động đề xuất, tham gia ý kiến trước khi người sử dụng lao động ban hành các văn bản nội bộ có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động như: nội quy lao động; thang, bảng lương, định mức tiền lương; quy chế nâng lương, quy chế thưởng; quy chế thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; kế hoạch công tác an toàn, vệ sinh lao động...

Hằng năm có trên 95% số doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; số doanh nghiệp xây dựng quy chế và tổ chức đối thoại đạt trên 85%. Qua hội nghị người lao động và đối thoại tại doanh nghiệp đã kịp thời giải quyết những kiến nghị của người lao động; đồng thời, phát huy được những đề xuất của người lao động tham gia xây dựng doanh nghiệp.

Cùng với đó, các cấp công đoàn trong tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với CNVCLĐ và giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động của công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ cơ bản được đảm bảo; tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cải thiện, ít có tranh chấp lao động tập thể, lãn công, đình công hay khiếu kiện đông người xảy ra.

LĐLĐ tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, kiểm tra thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp
LĐLĐ tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, kiểm tra thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp

• TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN QCDC

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là tiếp tục nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới” gắn với thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Tham gia thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; các quy định về giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo chức năng nhiệm vụ. Xem đây là cẩm nang trong hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay.

Đồng thời, thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp. Coi đây là nội dung then chốt để thu hút đông đảo người lao động tham gia, ủng hộ, tin tưởng và gắn bó với tổ chức Công đoàn. Nâng cao hiệu quả phương thức đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; huy động các nguồn lực chăm lo cho người lao động, nhất là lao động thu nhập thấp gắn với bảo đảm an sinh xã hội. 

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, phát huy hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Triển khai mạnh mẽ nội dung “Công đoàn tham gia cải cách hành chính và xây dựng văn hóa công vụ”; vận động CNVCLĐ ra sức thi đua, phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đổi mới tư duy, quy trình làm việc, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính; tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào gắn với nhiệm vụ chính trị của mỗi cán bộ, đoàn viên ở từng cơ quan đơn vị.

Tăng cường sự phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở để triển khai thực hiện dân chủ tại cơ sở. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền các cấp, nhất là đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

Trên tinh thần Kế hoạch số 21 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị; cùng với khí thế quyết tâm từ thành công của đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028, tin tưởng rằng, các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Qua đó đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và phát triển bền vững.