Lâm Đồng: Khoảng cách giới được thu hẹp

DIỆP QUỲNH 15:52, 10/07/2023

(LĐ online) - Được xem là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của xã hội, bình đẳng giới cũng chính là mục tiêu của sự phát triển bền vững, nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng.

Cô gái Bảo Lâm tham gia ngành du lịch dịch vụ
Cô gái Bảo Lâm tham gia ngành du lịch dịch vụ

* NÂNG CAO PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI - NỀN  TẢNG THỰC HIỆN THÀNH CÔNG LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI LÂM ĐỒNG

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo nhiều hình thức phổ biến để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống. Trong  giai đoạn 2007-2021, có khoảng 300 buổi tọa đàm,  hội thảo, tập huấn, nhiều hội thi dưới hình thức sân khấu hoá chuyển tải thông điệp về vai trò của nữ giới, quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới… đã được cung cấp đến cộng đồng. Nhiều đề án có nguồn kinh phí đầu tư của Trung ương đã nhanh chóng được phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tiếp cận.

Từ nguồn hỗ trợ đó, hơn 5.000 lượt nữ công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh đã tham gia tập huấn về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Linh hoạt hình thức tổ chức tuyên truyền phổ biến đến cộng đồng xã hội các quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới thông qua nhiều hình thức phong phú sinh động. Sự nhạy bén trong cách thức triển khai này đã góp phần đưa việc thực hiện Luật Bình đẳng giới  trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từng bước đi vào chiều sâu.

Phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học
Phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học

Sau 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giai đoạn 2011-2020, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra như: Tỷ lệ giới trong tạo việc làm mới; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật; tỷ lệ biết chữ của nam và nữ từ độ tuổi 15 - 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; các chỉ tiêu của mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin,… chú trọng đúng mức cho công tác truyền truyền đã dẫn đến sự thay đổi hành vi theo hướng tích cực của các thành phần trong xã hội. Bản thân phụ nữ thêm tự tin vào những giá trị tốt đẹp của mình, nỗ lực không ngừng để vươn lên, là chủ bản thân, và chăm sóc tốt cho mái mái ấm gia đình.

Sản xuất tại Nhà máy Trà Hany- doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Sản xuất tại Nhà máy Trà Hany- doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

* BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ:

  Đi đôi với việc khẩn trương triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã trở thành kim chỉ nam giúp Lâm Đồng mạnh mẽ hơn trong  việc thực hiện công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ.

 Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền cơ quan, đơn vị đã dành sự quan tâm đúng mức cho công tác cán bộ nữ, coi công tác cán bộ nữ là nhiệm vụ quan trọng và có nhiều kế hoạch chăm lo bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, đảm bảo bình đẳng trong bổ nhiệm, mạnh dạn bố trí cán bộ nữ vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt.  Trong nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ người ứng cử đại biểu HĐND các cấp là nữ ở Lâm Đồng là 2.345/6.296 tổng số người ứng cử, đảm bảo theo quy định ít nhất là 35%/tổng số người ứng cử. Trong đó, 1.032 nữ  trúng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đạt tỷ lệ 27,07% cao hơn nhiệm kỳ trước 0,91%.  Phần lớn các cán bộ nữ đều được đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn và lý luận chính trị, có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt.

*BÌNH ĐẲNG TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ VÀ LAO ĐỘNG

Không dừng lại ở thiên chức của những người mẹ, người vợ, nay cách nghĩ, cách làm của giới nữ ở Lâm Đồng đã có sự bứt phá. Mạnh dạn trau dồi kiến thức, nâng cao giá trị của bản thân, nhiều chị em đã vươn lên làm chủ các cơ sở sản xuất và  kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn hội nhập. Nếu giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh chỉ có là 23,8% nữ làm chủ doanh nghiệp thì đến năm  2021, con số này tăng lên 30,1%.

 Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh luôn phát huy nội lực, ý chí vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ, góp phần đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng. Tổng nguồn vốn do Hội Phụ nữ các cấp huy động đến nay đạt trên 1.800 tỷ đồng cho gần 40.000 hộ vay phụ nữ nghèo, cận nghèo vay; phong trào tiết kiệm, giúp nhau trong hội viên phụ nữ luôn được quản lý chặt chẽ, đã có 100% chi tổ hội với 1.779 tổ nhóm tiết kiệm, 67.185 chị tham gia đóng góp  trên 48,7 tỷ đồng hỗ trợ vốn kịp thời cho trên 27 ngàn chị khó khăn vay. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm nói chung và cho chị em phụ nữ nói riêng được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội  thường xuyên quan tâm  nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc của tỉnh; đã được tiếp cận các nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và tiếp cận khoa học, công nghệ… để hỗ trợ sản xuất, có việc làm nâng cao thu nhập cải thiện đời sống... Công tác vay vốn, hỗ trợ việc làm từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, xuất khẩu lao động, phát triển kinh tế hộ gia đình, sản xuất kinh doanh… luôn được chính quyền địa phương quan tâm.

Nhìn chung, công tác thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm trong thời gian qua đã gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, số lượng nữ lao động được giải quyết việc làm sau học nghề ngày càng tăng góp phần cải thiện đời sống cho nữ lao động, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Hàng năm số lượt người được giải quyết việc làm dao động từ 28.000 đến 30.000 lao động. Trong đó, nữ chiếm 43,6% giai đoạn 2011-2015 và chiếm 46% giai đoạn 2016-2020, năm 2021 chiếm 47%. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 29,5% giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020 đạt 42% và đến năm 2021 đạt 50%.

*NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

Với sự thay đổi phương thức truyền thông, Luật Bình đẳng giới ở Lâm Đồng từng bước đi vào cuộc sống và đã có bước chuyển biến về nhận thức góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2020. Nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ được nâng cao. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng công tác phụ nữ ở cơ sở, nhiều cấp ủy đã xây dựng quy hoạch cán bộ nữ, gắn với xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ và có chính sách khuyến khích cán bộ nữ tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Bản thân cán bộ phụ nữ đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trước tình hình, nhiệm vụ mới của đất nước. Vì vậy, chị em đã tự tin, nâng cao tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, trình độ chung của cán bộ nữ được nâng lên về chuyên môn, lý luận chính trị, khả năng lãnh đạo, tổ chức quản lý.  Chính vì thế,  sau 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 cơ bản địa phương Lâm Đồng đã đạt được  nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.       

Tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ thể hiện vai trò, vị thế của mình thông qua việc khẳng định quyền học tập, việc làm, sở hữu tài sản, chăm sóc sức khỏe, đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, đề bạt các chức vụ lãnh đạo, quản lý.…  là phương châm hành động xuyên suốt chặng đường 15 năm qua tại Lâm Đồng. Nhờ đó, khoảng cách giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình ở Lâm Đồng dần được thu hẹp.