Nhân diện, ứng phó với 4 loại hình thiên tai tại Lâm Đồng

AN NHIÊN 17:16, 20/07/2023

(LĐ online) - Chiều 20/7, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2023. 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng báo cáo tóm tắt tình hình thiên tai, thiệt hại trong các tháng đầu năm 2023
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng báo cáo tóm tắt tình hình thiên tai, thiệt hại trong các tháng đầu năm 2023

ƯỚC TỔNG GIÁ TRỊ THIỆT HẠI KHOẢNG 18 TỶ ĐỒNG

Theo báo cáo tại hội nghị, những tháng đầu năm, ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 4/22 loại hình thiên tai (mưa lớn, mưa đá, lốc xoáy, sạt lở đất). Trong đó, có 1 trận mưa đá, 8 trận mưa lớn, 6 trận lốc xoáy, 3 vụ sạt lở đất làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân. Cụ thể: Thiên tai đã làm 5 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại 224 căn nhà, 176 ha cây trồng, cuốn trôi 0,85 ha ao cá, chết 9 con lợn, trôi 2.800 con gia cầm, hư hỏng 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi, sạt lở 210m đường giao thông, hư hỏng 6 cầu, ngã đổ 5 cột điện... Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 18 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa rất thấp, tuy nhiên bắt đầu từ tháng 4 trở đi thì mùa mưa đã xuất hiện sớm hơn và tổng lượng mưa đạt lớn hơn 10% đến 20% so với trung bình nhiều năm; tổng lượng mưa chỉ riêng tháng 4 đã đạt trung bình từ 50 đến 250mm. Nhìn chung, mùa khô năm 2023, tình trạng hạn hán thiếu nước tưới chỉ diễn ra cục bộ ở một số điểm nằm cách xa công trình thủy lợi, xa nguồn nước. 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Để tăng cường khả năng ứng phó với tình hình hạn hán có thể xảy ra, ngay từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra rà soát tại các địa phương và ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và dự báo ảnh hưởng của hạn hán tại từng địa phương; đưa ra các biện pháp cấp bách và lâu dài để ứng phó; đề xuất kinh phí thực hiện các biện pháp công trình khoảng 172 tỷ đồng.

Về mưa lớn, sạt lở đất trong các tháng đầu năm đã có 8 trận mưa lớn và 3 vụ sạt lở đất. Trong đó, tại thành phố Đà Lạt đã có 3 trận mưa lớn và 2 vụ sạt lở đất lớn;  Thành phố Bảo Lộc có 2 trận mưa lớn và 1 vụ sạt lở đất lớn. Mưa lớn, sạt lở đất làm 5 người chết, 4 người bị thương, sập nhiều căn nhà và ngập cục bộ nhiều vị trí, ảnh hưởng đến tài sản, đời sống của người dân và tâm lý của du khách đến thành phố Đà Lạt. 

Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai ứng phó với mưa lớn, ngập cục bộ và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tổ chức kiểm tra tình hình ngập lụt và sạt lở tại các địa phương và hiện đang tổng hợp để tham mưu đề xuất xử lý.

Các đại biểu tham dự tại đầu cầu UBND tỉnh
Các đại biểu tham dự tại đầu cầu UBND tỉnh

Qua rà soát, hiện có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn, trong đó có 2 hộ đã được di dời đến nơi an toàn trong đợt mưa lũ vừa qua, 16 hộ cần được lưu ý di dời khi xảy ra mưa lớn, các hộ khác bị ngập nhẹ nên chỉ cần sơ tán vật dụng tại chỗ. Có 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở; trong đó, có 94 hộ đã được di dời đến nơi an toàn trong đợt mưa lũ vừa qua, 150 hộ cần tiếp tục di dời khi có mưa lớn xảy ra. 

Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 9,85 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai và hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã hỗ trợ 30 triệu đồng cho gia đình có người bị chết do thiên tai để tổ chức mai táng. Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh đã tổ chức kiểm tra tình hình thiên tai, thiệt hại tại các địa phương và hiện đang tổng hợp kết quả để phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.

NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH THỜI TIẾT NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2023

Theo đại diện Đài Khí tượng thủy văn Lâm Đồng cho biết, trong vòng 10 năm gần đây, Lâm Đồng ghi nhận có 2 trận mưa lớn nhất hiếm gặp trên địa bàn tỉnh. Đó là trận mưa có lượng mưa lớn nhất đạt 90mm kéo dài khoảng 1 giờ 20 phút vào ngày 12/7 vừa qua  và năm 2019 có 1 trận mưa với lượng mưa 74 mm. 

Đại diện Đài Khí tượng thủy văn Lâm Đồng báo cáo tình hình diễn biến thời tiết tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua và dự báo tình hình trong thời gian tới
Đại diện Đài Khí tượng thủy văn Lâm Đồng báo cáo tình hình diễn biến thời tiết tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua và dự báo tình hình trong thời gian tới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo xu thế khí hậu từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2023 như sau:

Hiện tượng ENSO: Hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đã ở trong điều kiện El Nino. Dự báo trong ba tháng tới, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85% -95% và tiếp tục duy trì tới đầu năm 2024 với xác suất khoảng 80%-90%.

Bão, áp thấp nhiệt đới: Từ nửa cuối năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó, có khoảng 2- 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, chúng ta cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Kinh nghiệm ứng phó trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể như sau: Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; thực hiện kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025, phương án ứng phó ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; công tác truyền tin, dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời. 

Đặc biệt, công tác chỉ đạo, tổ chức ứng phó thiên tai kịp thời, lãnh đạo tỉnh và các địa phương trực tiếp đến hiện trường để đôn đốc, chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai; lực lượng vũ trang (công an, quân đội của tỉnh, huyện, xã) đã luôn là nòng cốt trong ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả, giữ gìn an ninh, trật tự và hướng dẫn giao thông ở khu vực bị thiên tai.

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Trước tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo có những diễn biến phức tạp,  một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh gồm: Tổ chức trực ban theo quy định; tập trung theo dõi mọi diễn biến về thời tiết, tình hình mưa, lũ, công tác thông tin cảnh báo và dự báo kịp thời để chủ động tham mưu tổ chức phòng tránh. Tăng cường công tác thông tin, dự báo, cảnh báo kịp thời, nhanh chóng đến tận thôn, bản và người dân để chính quyền cấp cơ sở và người dân trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai chủ động phòng, tránh, ứng phó theo phương châm “Bốn tại chỗ”.

Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị chuyên dùng của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Hiện đại hóa hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; mở rộng thêm các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai. Phối hợp với các công ty thủy điện thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai. Tổng hợp tình hình thiệt hại, tham mưu, kiến nghị và đề xuất với UBND tỉnh để hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc nhấn mạnh: Giải pháp đầu tiên là phòng ngừa quan trọng, cảnh báo sớm để phòng ngừa giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Căn cứ vào dự báo thời tiết để chủ động phòng ngừa. Đây là nhiệm vụ hàng năm của tỉnh PCTT & TKCN, cần tập trung vào thực chất công tác này. Trong 4 loại hình thiên tai tại Lâm Đồng năm nào cũng xảy ra, mỗi khu vực có giải pháp riêng và có đầu tư riêng. Trên cơ sở kinh nghiệm các địa phương, sở ngành, chúng ta rút kinh nghiệm, phòng ngừa trước. 

Đối với sạt lở trên địa bàn nguy cơ cao từ Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương cần khoanh vẽ lập bản đồ những chỗ nguy cơ sạt lở cao thì không quy hoạch khu dân cư; rà soát lại đánh giá việc cấp phép quản lý công trình xây dựng những khu vực này; những khu vực đang cấp phép thì phải dừng lại. Đặc biệt, liên quan đến taluy phải khảo sát, kiểm tra, thẩm định kỹ trước khi cấp phép. Trong quá trình khoanh vẽ phải nắm sát tình hình dân cư để tăng cường kiểm tra vị trí sạt lở, thông tin kịp thời. Về lâu dài, lắp thiết bị cảnh báo sớm tại các điểm nguy cơ sạt lở, đặc biệt Đà Lạt phải làm trước. Hạn chế tối đa bê tông hóa; các tuyến đường hạn chế trồng cây thân gỗ lớn nên trồng cỏ, hoa để hạn chế cây ngã đổ ra đường. 

Đối với ngập úng cục bộ: Các địa phương cần bố trí cân đối ngân sách hàng năm để nạo vét đô thị. Cắm mốc các hành làng suối và tháo dỡ những công trình nhà kính, nhà ở lấn chiếm; trước mắt, tập trung suối lớn, kênh lớn trong đô thị. Về lâu dài, lưu ý trong thiết kế hệ thống thoát nước đô thị; tăng cường giám sát quá trình xây dựng trong đô thị. Đầu tư, nạo vét hệ thống thủy lợi, tăng cường đầu tư công cho các hồ thủy lợi, hồ cảnh quan; rà soát lại hệ thống hồ thủy lợi trong toàn tỉnh.

Liên quan đến nhà kính, nhà lưới, đây là bài toán cực kỳ khó vì thế phải bàn chuyên đề riêng, tỉnh sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này. 

Phải có biển báo cấm người đi qua đập tràn, khu vực ngập úng, phân luồng giao thông đảm bảo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm… Các huyện đầu tư tập trung cho các Huyện đội những máy móc chuyên dụng và có huấn luyện, đào tạo thường xuyên sử dụng để chủ động tại chỗ trong PCTT&TKCN; cần học tập mô hình Lạc Dương phát huy lực lượng xung kích tại địa bàn.

Đối với lốc xoáy, đề nghị các huyện phía Nam và Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc cần kiên cố hóa nhà dân, giúp đồng bào gia cố nhà cửa hạn chế thiệt hại tài sản.

Các ngành, địa phương quan tâm đầu tư “bốn tại chỗ”, xác định cơ sở hạ tầng để cứu nạn, cứu hộ cho dân trong tình huống cụ thể (như phòng chống Covid-19 vừa qua), chuẩn bị lương thực, thực phẩm cứu trợ cho dân.

Nâng cao nhận thức nhân dân trong phòng chống bão lụt. Đầu tư phương tiện và thông tin cảnh báo sớm. Tăng cường diễn tập, tập huấn để chủ động trong công tác này. Dự báo thời tiết sớm và tương đối chính xác để thông tin kịp thời cho nhân dân và có giải pháp ứng phó kịp thời.