Phát huy vai trò của phụ nữ trong tình hình mới

NHẬT MINH 09:50, 12/07/2023

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vai trò, vị trí, công tác phụ nữ có nhiều chuyển biến tích cực.

Hội LHPN huyện Đức Trọng biểu dương các hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động
“Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “ 5 có, 3 sạch”
Hội LHPN huyện Đức Trọng biểu dương các hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “ 5 có, 3 sạch”

Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 21, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ - VSTBPN) hướng dẫn, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức thực hiện các hình thức truyền thông: Tin, bài, phóng sự trên Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đăng tin trên website, treo cờ phướn tại các trục đường chính để chuyển tải nội dung, thông điệp bình đẳng giới đến mọi người dân nhằm tăng cường nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò và tầm quan trọng của gia đình; công tác kiểm tra, giám sát được lồng ghép trong các nội dung cuộc họp và báo cáo thường niên. Qua đó, đánh giá, nhận định và xử lý những hành vi, vi phạm liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình và trẻ em.

Hội LHPN các cấp đã triển khai tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền giáo dục thông qua các buổi sinh hoạt, học tập, chuyên đề, tiếp cận nghiên cứu tài liệu, tờ rơi, sổ tay, tổ chức diễn đàn trao đổi, nói chuyện sinh hoạt câu lạc bộ về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới mục tiêu gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững; tổ chức các hoạt động truyền thông bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11); triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, các địa phương đều lồng ghép tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, hội thảo về Luật hôn nhân gia đình, kiến thức xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh... Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là góp phần giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới giữa nam và nữ; bảo đảm bình đẳng trong việc nội trợ và chăm sóc gia đình; công nhận việc nội trợ và các chăm sóc không được trả phí, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của gia đình; hướng tới sự ổn định, văn minh và trật tự xã hội.

Có thể thấy, 5 năm qua, các ngành, các cấp, các địa phương đã có sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025; các hoạt động tuyên truyền giáo dục thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, từng bước nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, lao động và các tầng lớp Nhân dân về bình đẳng giới, về vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giới. Việc triển khai thực hiện các chính sách như: Chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo được vay vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt của phụ nữ... được triển khai có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 5 năm qua, đã giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động được tạo việc làm ổn định, chiếm tỷ lệ 45%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nữ được quan tâm triển khai, đã có 175.128 lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, trong đó lao động nữ là 92.810 người, chiếm tỷ lệ 52,99%.

Bên cạnh đó, công tác cán bộ nữ được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ công tác trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp đã chủ động tích cực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng, chủ chốt trong các ngành, các cấp.

Theo thống kê, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hiện nay là 29.631 người, trong đó, cán bộ công chức nữ là 17.977 người, chiếm tỷ lệ 60,67%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội 1/07 đại biểu, chiếm 14,29%; tỷ lệ nữ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chính quyền là 199 nữ/1.140 người,chiếm tỷ lệ 17,46%; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp 847 nữ/4.130 người, chiếm tỷ lệ 20,50%; có tới 118/310 đơn vị trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương có cán bộ chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 38,06%...

Nhìn chung, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư, nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong tình hình mới có nhiều chuyển biến tích cực. Bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đạt được những kết quả tiến bộ; đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng về số lượng và chất lượng; vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.