Dấu mốc quan trọng là ngày 3/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Chiến lược Chuẩn bị và Ứng phó với dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025, ngay thời điểm đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025 và đang tổng hợp ý kiến, sớm ban hành Kế hoạch để tiếp tục duy trì, kiểm soát hiệu quả, quản lý bền vững dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo và nhân viên y tế trong phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh |
Theo đó, khi chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm) thì Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của dịch COVID-19 để thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định pháp luật hiện hành.
Do vậy, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành; rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền.
Trong hơn 3 năm qua, để phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương đã ban hành các văn bản để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch; trong đó, có quy định nhiều biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ nên khi chuyển nhóm bệnh COVID-19 sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiện đang được áp dụng cũng như các quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống dịch, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19...
Mới đây, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện công tác phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng hướng dẫn mới của Bộ Y tế tại Quyết định số 2609/QĐ-BYT. Theo đó, quyết định mới “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” thay thế “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” và “Hướng dẫn lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành trước đó.
Hướng dẫn mới này nhận định tình hình sau hơn 3 năm đại dịch COVID-19 hoành hành ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, ngày 5/5/2023 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, cho phép chúng ta chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19 như hầu hết các bệnh truyền nhiễm nhóm B khác.
Các bằng chứng hiện tại cho thấy vi rút SARS-CoV-2 lây truyền qua 3 đường sau: Lây truyền qua giọt bắn; qua tiếp xúc; qua không khí. Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm: Tổ chức phát hiện sớm và cách ly kịp thời người mắc hoặc nghi mắc COVID-19; thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa theo đường lây truyền; đảm bảo thông khí môi trường khu vực chăm sóc người bệnh; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; tăng cường thực hành vệ sinh tay; vệ sinh khử khuẩn các môi trường bề mặt và phương tiện vận chuyển, chăm sóc người bệnh; phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ở một số tình huống đặc biệt; tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tăng cường đào tạo và giám sát tuân thủ các thực hành phòng ngừa ở nhân viên y tế.
Bộ Y tế yêu cầu giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch COVID-19 đã ban hành, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại khi phát hiện các nguy cơ không an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Bố trí đầy đủ kinh phí, trang bị đủ cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện cần thiết phục vụ công tác phòng lây nhiễm.
Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Thông tin cho biết, đến ngày 29/5/2023, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 266 triệu liều vắc xin và đã đạt được tỷ lệ bao phủ cao cho các nhóm đối tượng được WHO công nhận là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới. Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng mũi 1,2,3,4 cho các nhóm đối tượng với tỷ lệ cao, chỉ còn tỷ lệ tiêm chủng mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt dưới 80%.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà, các địa phương đã quyết liệt triển khai, góp phần giảm bớt áp lực của các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở điều trị COVID-19, hạn chế lây nhiễm, tăng cường hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. Các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 dần được xóa bỏ. Các bệnh viện tiến hành thành lập khoa, đơn vị COVID-19 để thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa khám, chữa bệnh thông thường, vừa tiếp nhận điều trị người mắc COVID-19 tại địa phương.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; trong đó, quy định bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám, chữa bệnh ở những nơi cần thiết, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19.
Đánh giá Nghị quyết số 128/NQ-CP đã có tác động mạnh mẽ, bao trùm lên mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội; là dấu mốc chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới, vừa bảo đảm các hoạt động kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả; đánh dấu sự chuyển hướng mang tầm chiến lược từ chống dịch bằng các biện pháp hành chính khi chưa đủ vắc xin, thuốc điều trị sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng lòng nhất trí của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn xã hội, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, quyết liệt và bảo đảm sự hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Thực tế đã chứng minh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP là hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp, có vai trò, ý nghĩa quyết định với việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến, giải pháp của các bộ, ban, ngành và các địa phương về những đề xuất các giải pháp trong phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; trong đó, thống nhất đề nghị của Bộ Y tế điều chỉnh dịch bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, riêng vấn đề công bố hết dịch COVID-19 thì sẽ công bố theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong thời gian tới, dịch bệnh chưa thể chấm dứt, đặc biệt hậu quả do đại dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài. Do đó, công tác phòng, chống dịch vẫn tiếp tục, nhất là nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng và khắc phục hậu quả, tiếp tục ổn định đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người chịu tác động trực tiếp bởi đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19; biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tốt. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để điều chỉnh phù hợp tình hình mới. Xây dựng kế hoạch kiểm soát bền vững COVID-19 trong giai đoạn mới, cũng như các dịch bệnh khác có thể xảy ra; thực hiện việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin