Tham vấn xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam

QUỲNH UYỂN 19:27, 21/07/2023

(LĐ online) - Chiều 21/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chương trình). 

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xây dựng Chương trình
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xây dựng Chương trình

Đồng chí Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì Hội thảo. Tại điểm cầu Lâm Đồng có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Theo lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Chương trình được thực hiện trong 5 năm (từ năm 2026 đến năm 2030) trên địa bàn cả nước và tại một số quốc gia. 

Nội dung quan trọng nhất của Chương trình liên quan đến 9 nhóm dự án gồm: Phát triển nhân cách con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa, hoàn thện thiết chế văn hóa; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ sáng tạo cho các văn nghệ sĩ để tạo ra tác phẩm mang tính đỉnh cao; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi sổ, ứng dụng thành tựu KHCN trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực trong ngành văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Toàn cảnh Hội thảo ở điểm cầu Lâm Đồng
Toàn cảnh Hội thảo ở điểm cầu Lâm Đồng

Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu từ các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hải Dương, Đắk Lắk, Hà Nội, Sóc Trăng, Long An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Tĩnh… đã khẳng định sự cần thiết về nhiệm vụ xây dựng Chương trình. 

Chương trình cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm, tránh dàn trải; bổ sung nâng cao nguồn lực cho các đối tượng; điều chỉnh bổ sung các cơ quan, đơn vị chủ trì đánh giá kết quả sản phẩm của các dự án; cụ thể hóa tổng mức đầu tư của từng nhóm dự án; làm sâu sắc hơn những giải pháp mang tính chi tiết, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. 

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị ưu tiên xây dưng môi trường văn hóa lành mạnh, quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa, mua sắm trang thiết bị và công tác tu bổ bảo tồn di tích; phân cấp ủy quyền trách nhiệm của các chính quyền địa phương; ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, số hóa thư viện, số hóa bảo tàng; vấn đề bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; quảng bá di sản văn hóa của các địa phương, vùng miền, các dân tộc với bạn bè quốc tế; quan tâm hơn nữa việc đầu tư cho phát triển văn hóa; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa…

Phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Chương trình. Việt Nam có dân số đứng 15 trên thế giới, với nền văn hóa đậm đà bản sắc của 54 dân tộc anh em. 

Các nhóm dự án cần cụ thể hóa việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh bám sát vào việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc làm nền tảng để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, cần quan tâm hơn đến việc tiếp cận văn hóa và hưởng thụ văn hóa. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài vào lĩnh vực văn hóa, đủ khả năng để chấn hưng, phát triển văn hóa.

Việc xây dựng và triển khai Chương trình là hoạt động thiết thực nhằm đưa các nghị quyết, định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam của Đảng vào cuộc sống. Qua đó, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển, khuếch trương hào khí dân tộc và làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, tạo sức mạnh nội sinh thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững.