Truyền thông và khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao tại 7 huyện

AN NHIÊN 17:00, 04/07/2023

(LĐ online) - Ngày 4/7, tại huyện Đam Rông, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng phối hợp thực hiện Tiểu Dự án Quỹ toàn cầu Phòng chống lao năm 2023 tổ chức hoạt động truyền thông và khám phát hiện chủ động ca bệnh lao và lao tiềm ẩn theo chiến lược 2X (X-quang ngực và xét nghiệm Gene Xpert) trong cộng đồng.

Đoàn công tác tổ chức tư vấn, hướng dẫn người dân chụp Xquang phổi để sàng lọc bệnh lao tại Trạm Y tế xã Đạ K’Nàng (Đam Rông)
Đoàn công tác tổ chức tư vấn, hướng dẫn người dân chụp Xquang phổi để sàng lọc bệnh lao tại Trạm Y tế xã Đạ K’Nàng (Đam Rông)

Hoạt động này triển khai từ tháng 7 đến tháng 10 tại 7 huyện gồm: Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đạ Tẻh, Bảo Lâm. Mục đích cung cấp kiến thức về phòng, chống bệnh lao cho nhân dân trên địa bàn 7 huyện, đồng thời thu hút sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống lao; huy động các tổ chức xã hội của xã, thôn tham gia tuyên truyền, vận động người dân đi khám sàng lọc và phát hiện chủ động bệnh lao. Qua đó, tăng cường phát hiện chẩn đoán sớm ca bệnh lao tại cộng đồng và đưa vào quản lý điều trị lao hiệu quả trong chương trình chống lao quốc gia.

Đối tượng truyền thông là cán bộ chính quyền, nhân dân, đại diện các Hội trên địa bàn xã, thôn (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên; Trưởng, phó thôn; nhân viên y tế thôn và các tổ chức Hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân…). Nội dụng truyền thông trực tiếp về mục đích, nội dung của kế hoạch khám sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động và tình hình bệnh lao tại địa phương; cung cấp một số kiến thức cơ bản về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao tại cộng đồng.

Đồng thời, triển khai hoạt động khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao nhằm tăng cường phát hiện bệnh nhân lao, tăng 20% số bệnh nhân cùng kỳ tại mỗi huyện sàng lọc. Đoàn khám sàng lọc gồm có các y bác sỹ, kỹ thuật viên xét nghiệm, chuyên trách lao, cộng tác viên y tế thôn bản thuộc các đơn vị như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện và các Trạm Y tế xã, thị trấn tham gia chương trình này.

Đối tư­ợng sàng lọc bao gồm: Người tiếp xúc của bệnh nhân lao phổi định hướng; bệnh nhân lao phổi được phát hiện lao phổi trong vòng 2 năm từ 2021 – 2022 (bao gồm cả bệnh nhân lao phổi nhạy cảm với thuốc và kháng thuốc; bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn và không có bằng chứng vi khuẩn); người tiếp xúc của bệnh nhân lao phổi định hướng là những người sống trong cùng nhà với bệnh nhân lao phổi hoặc ngủ cùng nhà với bệnh nhân lao phổi ít nhất 1 đêm/tuần hoặc ở cùng nhà với bệnh nhân lao phổi ít nhất 1 giờ/ngày và liên tục 5 ngày/tuần trong vòng 3 tháng trước khi bệnh nhân được chẩn đoán.

 Nhóm nguy cơ là người có triệu chứng nghi lao: ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu), sốt kéo dài trên 2 tuần không rõ nguyên nhân, sút cân không rõ nguyên nhân, ra mồ hôi đêm, đau ngực, đôi khi khó thở... Người hoàn thành điều trị bệnh lao trong vòng 2 năm (2021 – 2022); mắc các bệnh mạn tính (hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, tiểu đường, suy thận, lọc màu ngoài thận, bụi phổi); mắc hoặc đang điều trị thuốc gây suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, điều trị corticoid kéo dài, người ghép tạng, chuẩn bị cấy ghép tạng...). Người có nguy cơ khác (người trên 60 tuổi, người hút thuốc, người uống rượu, người suy dinh dưỡng).

Trung tâm Y tế các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Tẻh phối hợp triển khai thực hiện khám sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động tại địa phương, thông báo, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tham gia.