Xây dựng văn hóa cựu chiến binh Lâm Đồng

NHẬT QUỲNH 09:38, 12/07/2023

Việc xây dựng, bồi dưỡng và nâng cao văn hóa cựu chiến binh (CCB) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì bản lĩnh chính trị, năng lực và đạo đức của CCB, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một buổi chào cờ, sinh hoạt của CCB và người dân địa phương
Một buổi chào cờ, sinh hoạt của CCB và người dân địa phương

Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội CCB tỉnh, ông Vũ Công Tiến, khi nói về việc ban hành Đề án “Xây dựng Văn hóa CCB tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay”. Đặc biệt là việc tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền vững mạnh, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền địa phương trong giai đoạn đổi mới của đất nước.

Đề án nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa CCB Lâm Đồng phải dựa trên bản chất và truyền thống của CCB, lực lượng vũ trang tỉnh, cũng như bản sắc văn hóa và truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Văn hóa của người CCB là sự tổng hợp các khía cạnh về tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, trình độ kiến thức, tác phong sinh hoạt và quan hệ ứng xử của CCB trong công việc lẫn cuộc sống thường ngày.

Theo ông Tiến, văn hóa CCB Lâm Đồng còn phản ánh sự trung thành tuyệt đối của CCB với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Điều này còn được thể hiện ở sự son sắt nghĩa tình đồng đội; giúp đỡ, cùng nhau phát triển; cũng như tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Từ đó, cán bộ, hội viên CCB càng khẳng định rõ được vị trí, uy tín và vai trò, tạo được sự tin yêu từ cộng đồng, Nhân dân địa phương.

Theo nội dung của Đề án, để thực hiện được điều này, các cấp Hội CCB trên toàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp Hội, hội viên những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời, tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, vừa có đức vừa có năng lực.

 Mặt khác, trên cơ sở Phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, các cấp cơ sở hội chủ động, sáng tạo xây dựng các phong trào, hoạt động hay mô hình văn hóa CCB, giúp cán bộ, hội viên sống vui, sống khỏe và lành mạnh. Hội cũng đề cao vai trò gương mẫu của CCB trong xây dựng gia đình văn hóa, hòa thuận, hiếu học, làm nòng cốt xây dựng khu dân cư và tham gia các phong trào tại địa phương.

Đề án cũng đặt ra những chỉ tiêu cụ thể để CCB Lâm Đồng phấn đấu thực hiện. Theo đó, hàng năm, số các cấp Hội phấn đấu đạt trên 96% hội viên “CCB gương mẫu”, 95% gia đình hội viên “gia đình văn hóa”; 90% tổ chức Hội và 80% cán bộ, hội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; 95% cơ sở hội đạt trong sạch vững mạnh; 100% cán bộ, hội viên kiên định vững vàng về chính trị, tư tưởng, lối sống.

Là địa phương được Hội CCB chọn làm điểm, mới đây, Hội CCB huyện Đức Trọng cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Văn hóa CCB Lâm Đồng đến các cấp cơ sở hội trên toàn huyện. Ông Mai Văn An - Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Trọng cho biết, Hội đã chọn Hội CCB xã Ninh Gia làm đơn vị điểm và mỗi tổ chức cơ sở hội chọn 1 đến 2 chi hội để quán triệt, triển khai thực hiện đề án.

Để đề án được thực hiện nghiêm túc, phát huy được ý nghĩa, mục tiêu ban đầu, Hội CCB các xã, thị trấn cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của Hội trong việc thực hiện văn hóa CCB, coi đây là tiêu chí để làm căn cứ, cơ sở trong việc đánh giá, bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hằng năm. Đặc biệt, các cấp Hội cũng thường xuyên đổi mới phương pháp quản lý, làm việc, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tổ chức Hội; luôn trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Hội cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, hội viên thuộc phạm vi Hội quản lý vi phạm pháp luật và các quy định về văn hóa CCB.

Ngoài ra, “Hội sẽ tổ chức phát động các phong trào thi đua thực hiện văn hóa CCB đến các chi hội và từng cán bộ, hội viên thuộc quyền; đồng thời, triển khai thực hiện thi đua, công nhận cơ sở hội đạt chuẩn văn hóa theo quy định, phù hợp với mục đích và yêu cầu của Đề án Văn hóa CCB”, ông An cho biết.

Ngoài huyện Đức Trọng, ông Tiến cho biết, các Hội huyện, thành trên toàn tỉnh cũng đã và đang xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Văn hóa CCB, tùy thuộc vào điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương. Trong quá trình triển khai, các cấp Hội sẽ vận dụng linh hoạt và sáng tạo các hình thức xây dựng văn hóa CCB; đồng thời, nắm bắt những hạn chế, bất cập. Từ đó, Hội sẽ điều chỉnh và hoàn thiện nội dung đề án phù hợp với thực tế.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cũng nhấn mạnh, nội dung xây dựng văn hóa CCB phải toàn diện, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh; nêu cao tinh thần đoàn kết; đẩy mạnh xây dựng tổ, khu phố, thôn, buôn, gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên cần phát huy tính tích cực, tự giác trong công tác, sinh hoạt. Đặc biệt, các cấp Hội phải luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, thôn, buôn để xây dựng văn hóa trong CCB; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa.