(LĐ online) - Ngày 8/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban làm trưởng đoàn, đi cùng có lãnh đạo của Cục Thuỷ lợi, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực địa chất đã kiểm tra, khảo sát thực tế hiện trường sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực công trình hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).
Thứ trưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo về tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh 2 tháng 6 và 7 |
Làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà và các sở, ngành liên quan.
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, trong 2 tháng 6 và 7/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra rất nhiều trận mưa lớn liên tục và kéo dài, kèm theo lốc xoáy, sạt lở đất, trong đó có 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trân lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất. Sạt trượt đất xảy ra chủ yếu trên 2 địa bàn Đà Lạt và Bảo Lộc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà tại hiện trường |
Riêng với công trình hồ chứa nước Đông Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng và đang trong giai đoạn thi công. Mục tiêu đầu tư cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân. Đầu tháng 7 phát sinh 2 điểm sạt trượt, 9 hộ dân ảnh hưởng, trong đó có 6 hộ có nhà ở (4 hộ xây nhà không đúng quy định). Hiện cả 9 hộ dân đã được di dời đến chỗ ở tạm thời khác để đảm bảo an toàn.
Đoàn công tác sau khi khảo sát thực tế cũng đã gặp và trao đổi với một số người dân sống gần khu vực hồ chứa nước, bị ảnh hưởng khi nhà cửa bị nứt tường, sụt lún, phải di tản tới nơi an toàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (thứ 2, phải qua) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát tại khu vực lòng hồ chứa nước Đông Thanh |
Ngay sau buổi thực tế, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lâm Hà tại Đức Trọng, đoàn công tác đã có nhiều ý kiến góp ý, đề nghị hướng xử lý đối sự cố xảy ra ở khu vực hồ chứa nước Đông Thanh.
Chia sẻ về khảo sát ban đầu tại khu vực sạt trượt, PGS. TS Nguyễn Châu Lân nhận định: Lượng mưa không lớn, không phải là nguyên nhân chính gây ra sạt lở ở khu vực hồ Đông Thanh. Nhưng ở đây có dòng chảy ngầm lớn, khiến hệ số an toàn thấp, dễ gây sạt trượt. Phạm vi ảnh hưởng của khối tương đối lớn, hiện đang tiến hành khoan để xác định phạm vi khối trượt hạ lưu đến đâu, có ảnh hưởng đến công trình hay không, sau khi có kết quả đánh giá cụ thể mới có thể xác định chính xác và mới có thể tiến hành sửa chữa công trình.
Thứ trưởng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với người dân |
Giáo sư Nguyễn Châu Lân cho rằng, với sự cố này, có thể khắc phục bằng cách làm rãnh, bậc nước từ trên xuống để tránh ngấm, làm thoát nước sâu ở bên trong để xử lý các điểm sạt trượt. Khu vực thượng lưu cũng có 1 khối trượt, hiện tại chưa khoan, cũng đề nghị cần khoan địa chất để đánh giá lại.
PGS. TS Lê Văn Hùng thì nhắm đến sự cực đoan của mưa lũ trên địa bàn cả nước. ông nhận định, bờ phải của hồ Đông Thanh chủ yếu là đất sét, bờ đốc cao, đá mồ côi, kết cấu đất vì vậy không ổn định.
Thứ trưởng Bộ NN& PTNT và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc xem bản vẽ công trình hồ chứa nước Đông Thanh |
Còn PGS. TS Phạm Hữu Sy thì đề cao sự chủ động trong phòng chống thiên tai, đặt biệt đối với hiện tường sạt trượt đất. Theo ông, tỉnh cần phải chủ động đối phó với tình trạng này vì với địa hình của Lâm Đồng thì sẽ không thể hết được sạt trượt. Sạt trượt xảy ra là nguyên nhân của nhiều yếu tố: mức độ dốc, tác động của con người, do dòng nước… Và phải chủ động để xác định cụ thể là do nguyên nhân nào, để có giải pháp phòng ngừa ngay từ đầu. Để khắc phục, cần liên hệ với các chuyên gia, phối hợp để tư vấn xác định được phạm vi trượt và tìm giải pháp hiệu qủa.
PGS. TS Nguyễn Cảnh Thái trao đổi, địa chất ở vùng này rất dễ bị mất ổn định khi chuyển từ trạng thái khô sang trạng thái ướt. Tuy nhiên, nguyên nhân sạt trượt cần có khảo sát kỹ lưỡng hơn mới có thể xác định chính xác. Giải pháp trước mắt là cần giữ ổn định khối sạt trượt trước. Sau đó, tính đến việc khoan thăm dò, xác định nguyên nhân chính xác, tiến tới tìm giải pháp lâu dài.
Toàn cảnh khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh nhìn từ trên cao |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thuỷ lợi đã đề nghị tư vấn, các chuyên gia cần nghiên cứu lại để đánh giá, rà soát lại toàn bộ nguy cơ ảnh hưởng đến hồ chứa nước và rộng ra là cả vùng này. “Tôi nghĩ cần rà soát lại thiết kế xem có đảm bảo an toàn công trình hay không. Đặc biệt là đánh giá về an toàn quy trình tích nước sau này như thế nào, đảm bảo hay không là vấn đề hết sức cần lưu ý”, ông Nguyễn Tùng Phong nhấn mạnh
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác ứng phó thiên tai của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh: “Công tác ứng phó thiên tai tỉnh Lâm Đồng triển khai khá đồng bộ và chủ động. Tỉnh cũng rất chủ động trong công tác khắc phục cũng như tổ chức điều tra, nghiên cứu để giải quyết các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, Lâm Đồng là tỉnh phát triển khá nhanh, cơ cấu nông nghiệp khá lớn, nên cần phải tính toán lồng ghép chiến lược phòng chống thiên tai một cách nghiêm túc vào đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh.
PGS. TS Phạm Hữu Sy báo cáo kết cấu địa chất và nguyên nhân theo nhận định ban đầu tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh |
“Đối với vấn đề sạt trượt đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung, tôi rất đồng tình với báo cáo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tỉnh sẽ tổ chức hội thảo để mời các chuyên gia nhằm tìm kiếm giải pháp tham vấn để tìm kiếm giải pháp đưa ra giải quyết cho vấn đề ngắn hạn và cả dài hạn về vấn đề sạt trượt đất. Đặc biệt, cố gắng làm sao sớm xây dựng được bản đồ sạt trượt. Và bản đồ ấy phải chính xác đến điểm nhỏ nhất, chứ không thể dừng lại ở bản đồ cảnh báo vùng, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với hồ Đông Thanh, Thứ trưởng đồng ý với ý kiến của các chuyên gia là cần tổ chức khảo sát, khoan thăm dò lại ở diện rộng hơn ở cả 2 khối sạt trượt hiện nay ở vùng thượng lưu và hạ lưu và lưu ý, tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Về vấn đề quan trắc, hiện nay tôi thấy trong lòng hồ đang có 2 máy quan trắc. Tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của đơn vị thi công. Đơn vị làm như vậy là rất tốt, nên tiếp tục quan trắc, tuy nhiên cần phải bàn thêm với các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm là với hiện trạng hiện nay, cần quan trắc ở các điểm nào để xem diễn biến ở các điểm sạt trượt để có giải pháp. Trước mắt, cần xử lý sớm để làm chậm lại tốc độ dịch chuyển của hố trượt, với các gải pháp của tiến bộ khoa học ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được tận gốc những sự cố này”.
Từ đó, Thứ trưởng chỉ đạo: “Về giải pháp xử lý vấn đề sạt trượt ở hồ Đông Thanh, tôi cho rằng, trước hết là phải hạ tải; sau đó xử lý thoát nước ngầm và thoát nước mặt; sau đó rà soát lại phương pháp thi công, có thể quá trình thi công tốt đảm bảo nhưng một khi đã xảy ra sự cố như hiện nay thì cần phải có biện pháp thi công để ứng phó sao cho phù hợp với tình huống”.
Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lưu ý và đề nghị UBND tỉnh, huyện Lâm Hà cần quan tâm tới đời sống của bà con, sớm bố trí điện, đường, đảm an toàn, tái định cư ổn định, phù hợp cho bà con.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin