Cải tiến, nâng cao chất lượng bệnh viện

AN NHIÊN 06:19, 02/08/2023

Hàng năm, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, trong năm 2022, đa số các đơn vị đã có điểm chất lượng bệnh viện tăng hơn so với năm 2021.

Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng triển khai kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần thuộc lĩnh vực can thiệp tim mạch
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng triển khai kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần thuộc lĩnh vực can thiệp tim mạch

CÔNG SUẤT SỬ DỤNG GIƯỜNG BỆNH TĂNG

Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay gồm: Tuyến tỉnh có 8 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Y học Cổ truyền (YHCT) Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện YHCT Bảo Lộc, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hoàn Mỹ Đà Lạt, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt. Tuyến y tế cơ sở có 12 Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố; 22 Phòng khám đa khoa khu vực, 1 nhà hộ sinh và 142 Trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Tổng số giường bệnh tại các bệnh viện trong toàn tỉnh là 2.600 giường bệnh; trong đó, khối công lập 2.400 giường bệnh (tuyến tỉnh 1.505 giường, tuyến huyện 895 giường) và khối tư nhân 200 giường bệnh.

 Trong thời gian qua, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đảm bảo thực hiện quy chế chuyên môn và quyền lợi của bệnh nhân khi đi khám, chữa bệnh. Thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, khám, chữa bệnh cho Nhân dân, triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nâng cao y đức phục vụ tốt người bệnh tại các cơ sở khám và điều trị trong toàn ngành. Thực hiện tốt chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề, chỉ đạo tuyến năm 2022 và Đề án Bệnh viện vệ tinh...

Năm 2022, tổ chức khám bệnh cho 1.863.927 lượt bệnh nhân (đạt 80,1% kế hoạch giao), công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 94,3%. Một số đơn vị công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 100% như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 104,4%; Bệnh viện II Lâm Đồng 116,6 %; Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch 108,9%; Bệnh viện YHCT Bảo Lộc 110,7 %; Bệnh viện Nhi Lâm Đồng 138,3%; Khu điều trị Phong 104,6%; Trung tâm Y tế Đơn Dương 143,5%; Trung tâm Y tế Di Linh 115,5%; Trung tâm Y tế Bảo Lâm 119,2%. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tổ chức khám bệnh cho 1.005.241 lượt bệnh nhân (đạt 43,2% so với kế hoạch năm, tăng 25,2% so với cùng kỳ), công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 84,5%. 

Thực hiện Quyết định số 2417, ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tính đến hết ngày 30/6/2023, tổng số người tham gia BHYT toàn tỉnh là 1.176.534 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 87,47% so với dân số. Tổng số lượt người khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh 889.225 lượt người với tổng số tiền chi từ Quỹ BHYT hơn 343 tỷ đồng.

Sở Y tế đã phối hợp với BHXH tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác khám, chữa bệnh BHYT năm 2023, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong khám, chữa bệnh BHYT. Phối hợp chỉ đạo về thực hiện kết nối chuyển dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành và thực hiện giám định BHYT trên dữ liệu hệ thống. Phối hợp tổ chức thẩm định nguyên nhân vượt quỹ, vượt trần tại một số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và phối hợp trong thực hiện đấu thầu thuốc; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD).

PHÁT TRIỂN CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT CAO

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, việc phát triển danh mục kỹ thuật năm 2022 và trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phê duyệt bổ sung 739 danh mục kỹ thuật mới; trong đó, 117 danh mục kỹ thuật vượt tuyến. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã được đầu tư triển khai các kỹ thuật cao như: ECMO (tim phổi nhân tạo), thăm dò điện tim sinh lý trong buồng tim, điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần, thay khớp gối nhân tạo, điều trị vô sinh, hiếm muộn, xạ hình SPECT/CT, phẫu thuật nội soi lấy nhân đệm cột sống thắt lưng qua đường liên bản sống, truyền hóa chất tĩnh mạch... Việc phát triển thêm nhiều kỹ thuật cao đã góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân và cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Đặc biệt, triển khai kỹ thuật xạ trị trong ung thư giúp hạn chế bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân ung thư.

Trong năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp nhưng các đơn vị đã quan tâm phát triển chất lượng bệnh viện, đa số các đơn vị đã có điểm chất lượng bệnh viện tăng hơn so với năm 2021. Cụ thể: Điểm đánh giá chất lượng trung bình chung các đơn vị tuyến tỉnh, huyện công lập năm 2022 là 3,04 tăng 0,08 điểm so với năm 2021. Điểm chất lượng trung bình của các bệnh viện tuyến tỉnh là 3,12 (tăng 0,08 điểm so với năm 2021). Điểm chất lượng trung bình của các bệnh viện tuyến huyện là 2,99 (tăng 0,08 điểm so với năm 2021, bằng mức tăng trung bình của các bệnh viện tuyến tỉnh). 

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, vẫn còn số danh mục không có giá hoặc chưa được phiên tương đương là 9.054 kỹ thuật đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là trong việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, Thông tư số 39 của Bộ Y tế quy định 1 bác sĩ khám một số ca nhất định/ngày (65 ca/ngày), do nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT ngày càng tăng, nhân lực đội ngũ y, bác sĩ còn thiếu, đặc biệt là sau dịch COVID-19 tình hình nhân sự nghỉ việc nhiều dẫn đến tình trạng khám vượt số ca quy định.

Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn mới trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất... đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuốc không lựa chọn được nhà thầu qua nhiều lần đấu thầu với một số nguyên nhân như sau: Một số thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc phục vụ cấp cứu, thuốc có số lượng sử dụng ít, thuốc không có nhà cung ứng hoặc chỉ có một nhà sản xuất và cung ứng trên thị trường, thuốc có nguồn cung hạn chế... thì không có nhà thầu tham dự qua nhiều lần đấu thầu, liên tục các năm liền nhau; hoặc giá tham dự thầu cao hơn giá kế hoạch và giá kê khai... và nhiều nguyên nhân khách quan khác, dẫn đến các đơn vị không có thuốc sử dụng khi có nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh. Chính vì vậy, Sở Y tế Lâm Đồng đã có đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc để tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng bệnh viện trong thời gian tới.