Cát Tiên: Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính

HOÀNG SA 03:18, 22/08/2023

Xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, huyện Cát Tiên đã tập trung lãnh đạo, triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Huyện Cát Tiên tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
Huyện Cát Tiên tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

Theo kết quả công bố của UBND tỉnh, chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của huyện Cát Tiên đạt 83,05 điểm, xếp thứ 10/12 huyện, thành phố; trong đó, điểm tự đánh giá qua thẩm định đạt 63,16/75 điểm, điểm điều tra xã hội học đạt 19,89/25 điểm.

Cụ thể, huyện Cát Tiên có 2/7 tiêu chí đạt điểm tối đa, bao gồm tiêu chí về công tác chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính đạt 10/10 điểm và tiêu chí về cải cách thể chế đạt 8,5/8,5 điểm; có 5/7 tiêu chí chưa đạt điểm tối đa là cải cách thủ tục hành chính đạt 12,87/16,5 điểm, cải cách tổ chức bộ máy đạt 6,99/7,5 điểm, cải cách chế độ công vụ đạt 9/10 điểm, cải cách tài chính công đạt 6,3/8 điểm, xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số 8,5/9,5 điểm.

Trong khi đó, theo kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính cấp xã của UBND huyện, chỉ số cải cách hành chính bình quân cấp xã năm 2022 trên địa bàn huyện Cát Tiên đạt 83,04 điểm. Trong tổng số 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thì có 6 xã đạt chỉ số cao hơn chỉ số bình quân chung, gồm có Gia Viễn, Đồng Nai Thượng, Đức Phổ, Tiên Hoàng, Quảng Ngãi và Nam Ninh; có 3 xã, thị trấn đạt chỉ số thấp hơn chỉ số bình quân, gồm xã Phước Cát 2, thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát. 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, căn cứ vào kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2022, UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong huyện cần khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế của địa phương mình và tập trung triển khai thực hiện hiệu quả.

Cụ thể, trong năm 2023, mỗi địa phương phải xây dựng được ít nhất 1 mô hình “thôn thông minh” hoặc “tổ dân phố thông minh” và nhân rộng qua từng năm; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện định danh điện tử mức độ 2 cho người dân; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chứng thực điện tử, thanh toán trực tuyến; củng cố và phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng và huy động lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ cho người dân; tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ thực hiện công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính; quan tâm đầu tư nâng cấp các phần mềm và mạng internet; tăng cường số hóa trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục; quan tâm nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao mức độ hài lòng của người dân về chất lượng phục vụ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, trong năm 2023, huyện Cát Tiên đề ra các mục tiêu cụ thể về cải cách hành chính là 100% văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, có 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã được cập nhật, công khai đầy đủ đúng quy định tại bảng niêm yết công khai trên Trang thông tin điện tử của huyện và các hình thức phù hợp khác cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu thực hiện và giám sát; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không theo địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 100% phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục duy trì đạt trên 86%.

Mặt khác, về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, huyện Cát Tiên đặt chỉ tiêu trong năm 2023 là 100% các cơ quan, đơn vị kết nối, sử dụng hệ thống thông tin báo cáo phục vụ sự chỉ đạo điều hành thông suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ Trung ương đến cấp xã; 100% cơ quan nhà nước sử dụng hiệu quả phần mềm trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử và gửi thông qua trục liên thông văn bản điện tử; trên 80% các cuộc họp giữa cấp tỉnh với cấp huyện và trên 40% cuộc họp giữa cấp huyện và cấp xã được thực hiện thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến; trên 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản, trên 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số. 

Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, trong thời gian đến, huyện Cát Tiên sẽ tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Trong đó, 100% cơ quan, đơn vị được ban hành cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức; phấn đấu thực hiện đạt 100% kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2023; rà soát, điều chỉnh, ban hành Đề án Vị trí việc làm khi có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và bố trí công chức, viên chức đảm bảo đúng, phù hợp theo đề án đã được phê duyệt...