Cát Tiên đã và đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp thực hiện hình thức nộp hồ sơ trực tuyến được các cấp, ban, ngành của huyện đẩy mạnh. Qua đó, huyện Cát Tiên cũng tăng cường bố trí nhân lực, cán bộ có trình độ sử dụng thành thạo các ứng dụng, phần mềm tại bộ phận một cửa các cấp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Công an huyện Cát Tiên đi đến từng hộ gia đình để cài đặt định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến |
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, triển khai dịch vụ công trực tuyến từ năm 2017 đến nay, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện; đồng thời, ban hành các kế hoạch cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải cách hành chính, tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế qua đánh giá chỉ số cải cách hành chính hàng năm để chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền người dân khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng.
Tuy nhiên, qua chiết xuất dữ liệu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (https://dichvucong.gov.vn), tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến năm 2022 tại cấp xã, thị trấn trong huyện Cát Tiên còn đạt ở mức thấp. Cụ thể, UBND thị trấn Cát Tiên đạt ở mức 0,03%; UBND xã Phước Cát 2 đạt 0,11%; UBND xã Tiên Hoàng đạt 0,24%; UBND xã Đức Phổ đạt 0,33%; UBND xã Gia Viễn đạt 1,5%; UBND xã Đồng Nai Thượng đạt 2,45%; UBND xã Nam Ninh đạt 3%; UBND xã Quảng Ngãi đạt 5,42% và UBND thị trấn Phước Cát đạt 6,66%.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến năm 2022 tại UBND các xã, thị trấn đạt tỷ lệ thấp là do các địa phương trong huyện chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc cung cấp, khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến; công tác tuyên truyền, hướng dẫn của các cơ quan và địa phương về khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa thường xuyên; hiểu biết của người dân về dịch vụ công trực tuyến, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, đa số người dân còn lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, sợ thất lạc hồ sơ nên vẫn giữ thói quen sử dụng hồ sơ giấy để nộp trực tiếp. Bên cạnh đó, việc tạo tài khoản cho người dân trên Cổng dịch vụ công Quốc gia chưa được công chức tiếp nhận hồ sơ của bộ phận một cửa các xã, thị trấn quan tâm, thực hiện; có trường hợp người dân sử dụng sim điện thoại không chính chủ nên không thể tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; trang thiết bị tại bộ phận một của một số địa phương còn hạn chế (thiếu máy scan) phần nào cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, để nâng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến, huyện Cát Tiên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với các phòng chuyên môn, UBND xã, thị trấn. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ bằng nhiều hình thức, giúp người dân dễ cập nhật thông tin, tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Qua thời gian thực hiện, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện dần tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia đã có sự cải thiện. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến cấp huyện là 717 hồ sơ, cấp xã 5.092 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến toàn huyện đạt 70,4%.
Việc nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 3, mức độ 4) là yêu cầu bắt buộc và quan trọng của công tác cải cách hành chính hiện nay nhằm đảm bảo việc công khai, minh bạch, giảm phiền hà và tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND huyện Cát Tiên sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cho các đơn vị triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại địa phương mình phụ trách; các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường thực hiện tốt công tác phối hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến tại các xã, thị trấn, đáp ứng với yêu cầu đề ra. Mặt khác, chú trọng công tác hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ và tra cứu, cập nhật thay đổi thông tin cá nhân kịp thời, đảm bảo việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến được thông suốt, thuận lợi, tiện ích, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi số thành công trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Hoàng Phúc cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin