Di Linh: Khắc phục khó khăn, sẵn sàng cho năm học mới

NGỌC NGÀ 00:16, 17/08/2023

Trong năm học 2022 - 2023 được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, có 61/73 trường đạt chuẩn quốc gia, việc huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số học sinh, chống tình trạng học sinh bỏ học ngày càng có nhiều kết quả tích cực…; đó là những nền tảng quan trọng để ngành Giáo dục Di Linh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế và sẵn sàng cho năm học mới.

Ngành Giáo dục huyện Di Linh đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho năm học mới
Ngành Giáo dục huyện Di Linh đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho năm học mới

ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG

Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh thông tin, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường thực hiện tu sửa cơ sở vật chất, chỉnh trang cảnh quan trường lớp.

Những tín hiệu vui trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã dần thấy rõ khi đến nay đã có 4 công trình được triển khai thi công. Số còn lại đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ, dự kiến khởi công 100% công trình trước ngày 5/9/2023 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong học kỳ I, năm học 2023 - 2024. Huyện cũng đang chỉ đạo ngành Giáo dục tiếp tục rà soát, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất các trường trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia và xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra. Phấn đấu đến cuối năm 2023, có thêm 4 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Ngành Giáo dục huyện Di Linh cũng đã hoàn thành công tác bồi dưỡng thường xuyên 3 modun 6, 7, 8 theo quy định cho cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo, tập huấn về phương pháp giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới và tập trung tập huấn các nội dung nhằm sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong hoạt động dạy học sắp tới.

Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin thêm: Di Linh có gần 42% dân số là người đồng bào DTTS. Do vậy, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục tập trung thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác huy động học sinh ra lớp. Đặc biệt là học sinh người DTTS. Đồng thời, tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS chuẩn bị vào lớp 1 tại 19 trường, với 51 lớp và 1.426 học sinh.

• TẬP TRUNG KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN

Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục Di Linh cũng có sự nhìn nhận, đánh giá những khó khăn đặt ra để có phương án tập trung khắc phục.

Cụ thể, hiện cơ sở vật chất, phòng học, các phòng chức năng ở các trường hầu hết đều không đảm bảo các tiêu chuẩn theo Thông tư 13 và Thông tư 14/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguồn ngân sách sự nghiệp hàng năm chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế trong khi việc huy động nguồn xã hội hóa ở nhiều địa phương gặp khó khăn nên thực trạng trên địa bàn huyện hiện nay vẫn còn một số trường chưa đảm bảo điều kiện vật chất, đặc biệt là khối phòng phục vụ học tập như phòng học bộ môn, phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật; phòng thiết bị, thư viện… Bên cạnh đó, việc triển khai phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh ở các trường trong thực tế vẫn còn một số hạn chế nhất định, nhất là các trường có cơ cấu giáo viên ít, quy mô trường lớp nhỏ. Nguyên nhân do giáo viên ít được học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp, còn lúng túng với việc đánh giá quá trình học tập của học sinh. Tỷ lệ các cháu trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp còn thấp, chưa đạt yêu cầu. 

Tỷ lệ học sinh bỏ học mặc dù dưới mức kế hoạch nhưng vẫn thiếu bền vững. Nguy cơ học sinh bỏ học xảy ra ở các trường có đông học sinh DTTS vẫn còn cao. 

Ông Phan Đình Đồng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh chia sẻ, ngành Giáo dục Di Linh đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục. Cụ thể, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cụ thể, hiệu quả. Tiếp tục tham mưu với UBND đầu tư có trọng điểm, gắn với nhu cầu và khả năng tài chính của ngành và địa phương. Tham mưu mở rộng quy mô trường lớp ở những vùng phát triển, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Tham mưu cấp trên tạo cơ chế thuận lợi để phát triển giáo dục ngoài công lập. Tiếp tục huy động tốt các nguồn lực để đầu tư, phát triển giáo dục.Thực hiện kiểm tra, đánh giá chặt chẽ công tác bồi dưỡng thường xuyên của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường trực thuộc. Tham mưu thực hiện tinh giản đối với cán bộ - giáo viên năng lực hạn chế, không đáp ứng vị trí, nhiệm vụ công tác để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho công tác giáo dục.