(LĐ online) - Ngày 31/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng huyện Di Linh tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách với hội viên phụ nữ tại xã Gia Bắc với chủ đề “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, suy dinh dưỡng trẻ em”.
Bà Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu tại hội nghị |
Đây là xã điểm của tỉnh triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Tham dự có bà Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Di Linh; Thường trực Hội LHPN 7 huyện triển khai Dự án 8; Đảng ủy, UBND xã Gia Bắc cùng đông đảo hội viên phụ nữ và học sinh Trường TH-THCS Gia Bắc.
Học sinh Trường TH-THCS Gia Bắc đặt câu hỏi về sữa học đường góp phần hạn chế suy dinh dưỡng trẻ em |
Xã Gia Bắc là xã vùng sâu vùng xa của huyện Di Linh, tỷ lệ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên chiếm 98% dân số toàn xã, 4/5 thôn thuộc thôn đặc biệt khó khăn, toàn xã còn 121 hộ nghèo chiếm 14,8% và 97 hộ cận nghèo. Đời sống kinh tế của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế, do đó trên địa bàn xã vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi vẫn ở mức cao, các vụ bạo lực gia đình vẫn còn phổ biến… Trước thực trạng đó, tại hội nghị, hội viên phụ nữ xã Gia Bắc và học sinh Trường TH-THCS Gia Bắc đã đặt ra nhiều câu hỏi cho lãnh đạo xã về những vấn đề đang tồn tại ở địa phương như: Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, suy dinh dưỡng trẻ em, sữa học đường cho học sinh…
Tên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, lãnh đạo xã Gia Bắc cùng các ban, ngành liên quan đã trả lời các ý kiến, kiến nghị rõ ràng, cụ thể, đúng trọng tâm, đi thẳng vào nội dung câu hỏi, làm rõ được các vấn đề; đồng thời chia sẻ những khó khăn mà địa phương đang gặp phải để nhận được sự đồng thuận của người dân, trong đó có vai trò của hội viên phụ nữ.
Hội viên phụ nữ xã Gia Bắc đặt câu hỏi về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống |
Theo bà Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, hội nghị đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn tại địa bàn khó khăn là một trong những chỉ tiêu thực hiện Dự án 8 của tỉnh. Thông qua đối thoại nhằm tạo cơ hội và điều kiện để hội viên, phụ nữ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng. Qua đó, giúp các cấp Hội kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên phụ nữ; góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của chị em vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội các cấp. Từ đó, hội viên phụ nữ tiếp tục có những thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương.
“Để các hoạt động của Dự án 8 triển khai thực hiện có hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan và các địa phương với Hội LHPN cùng cấp. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh mong muốn cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại địa phương; phối hợp với Hội LHPN các cấp tổ chức các hoạt động vận động chính sách thông qua kết quả, tác động từ Dự án 8; chủ động phát hiện các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để có những giải pháp giải quyết kịp thời. Đối với Hội LHPN 7 huyện triển khai Dự án 8 cần tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham mưu cho UBND huyện triển khai theo kế hoạch; chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã tổ chức thực hiện các hoạt động, chỉ tiêu cụ thể theo hướng dẫn của tỉnh; đồng thời, chỉ đạo Hội LHPN cấp xã triển khai các hoạt động của Dự án 8 khoa học, hiệu quả, gắn với thực hiện Nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp để tác động toàn diện làm thay đổi căn bản thực trạng bình đẳng giới và đời sống kinh tế - xã hội của phụ nữ vùng DTTS và miền núi”, bà Phạm Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin